Ấn tượng Điện Biên

08:36 - Thứ Năm, 18/07/2019 Lượt xem: 12597 In bài viết
ĐBP - Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương, đoàn công tác Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) do Thiếu tướng Sỉ Phon Chăn Sổm Vông, Chính ủy Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn làm trưởng đoàn đã có chuyến tham quan tìm hiểu khu di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ. Chuyến đi đã để lại những cảm xúc và ấn tượng khó quên với các thành viên trong đoàn về chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta 65 năm về trước.

 

Ðoàn công tác Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn (nước CHDCND Lào) thăm Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Ảnh: Hữu Thu

Một trong những hoạt động đầu tiên của đoàn khi đến với khu di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ đó là dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi an nghỉ của 644 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hi sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên), nơi an nghỉ của hơn 2.700 liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu hi sinh trên đất bạn Lào. Tại mỗi nơi, đoàn đều đặt vòng hoa, thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, bày tỏ tấm lòng thành kính với những cống hiến, hi sinh xương máu mà các anh đã để lại vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào.

Trung tá Sổm Phon Vo Lạ Vông, Phó trưởng phòng Chính trị Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất xúc động và biết ơn khi được đến nơi đây thăm viếng, thắp hương phần mộ các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi cũng tự hào khi có Quân đội Nhân dân Việt Nam anh em là người bạn chân thành, thủy chung, cùng chung chiến hào, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau cả trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.

Trong dịp này, đoàn đến tham quan: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; Tượng đài Chiến thắng; cụm cứ điểm Ðồi A1; Sở Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, nơi tướng Ðờ-cát và toàn bộ Bộ tham mưu của chúng đã đầu hàng vô điều kiện; đặc biệt là Khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thăm nhà làm việc và hầm trú ẩn của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ða số thành viên trong đoàn đều lần đầu tiên đến thăm chiến trường Ðiện Biên Phủ nên ai cũng hào hứng. Ðiều đặc biệt là gần 20 cán bộ quân sự nước bạn Lào đều biết nói tiếng Việt, giao tiếp tự nhiên với người dân tộc Thái đen ở Ðiện Biên. Ðược mắt thấy, tai nghe, xem phim tư liệu về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, họ đều bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong chiến dịch.

 

Ðoàn công tác Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn (nước CHDCND Lào) thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Trung tá Si Von Ðao Ma Ni Chanh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn đi tới di tích nào cũng chăm chú ghi chép cẩn thận những thông tin vào cuốn sổ tay cá nhân. Trao đổi với chúng tôi, anh chia sẻ: “Tôi từng xem phim tư liệu, đọc nhiều tài liệu về chiến dịch Ðiện Biên Phủ, từ lâu tôi luôn muốn được một lần đến Ðiện Biên và điều ấy nay đã thành hiện thực. Qua nghe thuyết minh viên giới thiệu, tìm hiểu thực tế, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, gan dạ của Bộ đội Cụ Hồ; thấy được đường lối nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng vĩ đại của quân, dân ba nước Ðông Dương, cùng liên minh chiến đấu, cùng chung chiến hào, chống kẻ thù chung, giải phóng đất nước”.

Ðặc biệt, khi lên đỉnh Ðồi A1, dừng chân bên xác chiếc xe tăng bại trận quân đội Pháp, đoàn tình cờ gặp một người đàn ông đã hơn 80 tuổi, ăn mặc giản dị lặng lẽ nhặt chai lọ, túi bóng rơi ngoài bãi cỏ bỏ vào thùng rác. Chị Nguyễn Hải Yến, thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ giới thiệu với đoàn: “Ðó là ông Mai Văn Sinh, quê ở tỉnh Phú Thọ, một “Chiến sĩ Ðiện Biên” thuộc Tiểu đoàn 960, Trung đoàn 148, Ðại đoàn 312. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đơn vị ông đánh trận mở màn tại Him Lam. Ông Sinh tự nguyện làm công việc này đã lâu, lần nào dẫn khách lên Ðồi A1 để giới thiệu tôi cũng gặp ông. Mặc dù không mặc áo bộ đội, không đeo huân huy chương trên ngực nhưng ở đây mọi người đều biết ông. Ông luôn tâm niệm phải giữ được cảnh quan môi trường trong lành mà quan trọng hơn để nơi đây trở thành điểm tham quan di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau này…”.  Nghe xong câu chuyện, các thành viên trong đoàn công tác đều cảm động trước việc làm bình dị của ông Sinh. Họ đến bắt tay người cựu chiến binh già, kèm theo lời chào “Sabaidi” và không quên chụp với ông một bức hình lưu niệm.

Trung tá Khăm Súc Phôm Phạ Phon, Trưởng ban Ðối ngoại, Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn bộc bạch: “Lần đầu tiên đến tham quan các điểm di tích lịch sử ở Ðiện Biên, tôi cảm thấy khu di tích đẹp, rất quý giá, cần được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên. Ðiều tôi ấn tượng đó là hành động thầm lặng của bác cựu chiến binh gặp trên đồi A1. Thế hệ những người đã làm nên lịch sử họ luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy tinh thần cống hiến ấy trong đời sống xã hội hôm nay. Chắc chắn, tôi sẽ quay lại mảnh đất này để được ngắm hoa ban nở và gặp lại những người dân Ðiện Biên thân thiện, mến khách”. 

Tạm biệt Ðiện Biên, kết thúc một chuyến công tác thành công với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thiếu tướng Sỉ Phon Chăn Sổm Vông, Chính ủy Bộ CHQS Thủ đô Viêng Chăn, trưởng đoàn công tác cho biết:  Chuyến đi đã giúp cho mỗi thành viên trong đoàn công tác hiểu sâu hơn về lịch sử, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đối với sự phát triển của cách mạng 3 nước Ðông Dương; về tình đoàn kết đặc biệt - liên minh chiến đấu, thủy chung, son sắt Việt Nam - Lào. Qua kết quả chuyến thăm và các hoạt động giao lưu của đoàn, góp phần duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Ðức Hạnh - Hữu Thu
Bình luận
Back To Top