Khó khăn di dời dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở

08:53 - Thứ Năm, 18/07/2019 Lượt xem: 11933 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến xấu khiến người dân sinh sống trong khu vực lo lắng. Mùa mưa 2019 đã đến nhưng tất cả phương án di chuyển mới chỉ làm tạm thời, quá trình triển khai thực hiện còn vướng nhiều khó khăn.

Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, 62 hộ dân với gần 300 nhân khẩu của bản Pa Xa Xá (xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên) luôn sống trong tâm lý lo sợ vì tình trạng đá lở từ dãy núi phía sau bản. Ðiển hình là mùa mưa năm 2017 và 2018, nhiều khối đá có trọng lượng cả chục tấn lăn xuống bản trong đêm phá hỏng công trình phụ, gãy cột nhà dân.

 

Ðá lở từ trên núi phía sau bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) lăn vào nhà dân.

Huyện Ðiện Biên Ðông cũng có 2 điểm gồm: bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung) và bản Tìa Dình C (xã Tìa Dình) nằm trọn trong cung trượt lớn, nguy cơ sạt lở rất cao. Trường tiểu học, trụ sở UBND xã, điểm bưu điện văn hóa xã và nhiều hộ dân ở khu vực này đã xảy ra tình trạng nứt, sụt nền đất.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho biết: Hàng năm, tỉnh Ðiện Biên chú trọng công tác di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai theo Quyết định số 1776/QÐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đó là đối với những trường hợp bố trí tái định cư tại chỗ hoặc ở xen ghép với các hộ, bản trên địa bàn. Còn đối với các điểm cần di dời tập trung thì việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn vì phải tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân di chuyển nhà, khai hoang, cải tạo đất, hỗ trợ sản xuất… Trong khi đó, nguồn vốn dự phòng địa phương rất hạn hẹp không đảm bảo bố trí đủ cho công tác này mà phải đề nghị Trung ương bổ sung kinh phí. Trong khi đợi hoàn thành thủ tục và kinh phí, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai để có phương án phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của thiên tai để chủ động phòng ngừa. Ðối với các điểm đặc biệt nghiêm trọng tại 2 huyện: Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông, bên cạnh các phương án di dời tạm thời, chính quyền và các cơ quan chức năng phải thường trực, đồng hành cùng người dân trong công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các phương án di dời và bố trí tái định cư cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn về kinh phí và địa điểm. Thực tế cho thấy, để di chuyển hàng chục hộ dân về nơi ở mới tập trung chỉ với nguồn vốn theo Quyết định 1776/QÐ-TTg (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ) và ngân sách dự phòng địa phương thì không thể thực hiện. Như năm 2014, huyện Tuần Giáo thực hiện Dự án Di chuyển dân cư nơi nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các bản Nậm Bay, Pa Cá đến định cư tại khu Phiêng Xanh, xã Mùn Chung (nay là địa phận xã Nà Tòng). Mỗi hộ được bố trí 400m2 đất ở; các công trình: nước sinh hoạt, đường bê tông nội bản, nhà văn hóa, điểm trường mầm non, tiểu học cũng được đầu tư xây dựng. Ðể thực hiện dự án cần kinh phí 28 tỷ đồng. UBND huyện Tuần Giáo tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư từ năm 2012. Ðến năm 2014, nguồn vốn mới được Trung ương phê duyệt theo Quyết định số 193/QÐ-TTg, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2015. Ðến năm 2016, các hạng mục hạ tầng khu tái định cư mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ðến nay, 61 hộ dân khu tái định cư Phiêng Xanh đã ổn định cuộc sống.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, huyện đã hoàn thành và triển khai thực hiện các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 tại 100% các xã trên địa bàn. Nhất là những điểm được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá lăn, lũ ống, lũ quét. Riêng đối với bản Pa Xa Xá (xã Pa Thơm), UBND huyện đang triển khai đồng thời 2 việc: Một là tổ công tác của huyện phối hợp với UBND xã Pa Thơm, Ðồn Biên phòng Pa Thơm tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết khi mưa to, gió lớn phải di dời khẩn cấp sang trụ sở UBND xã và Ðồn biên phòng. Các lực lượng phải thường trực 24/24 giờ để ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Mặt khác UBND huyện đang tiến hành khảo sát, xây dựng phương án, lập dự án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án di chuyển dân đến nơi ở mới. Ðịa điểm được lựa chọn tại khu vực đồi Phắc Ven. Hiện tại địa điểm này đang thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Sau khi dự án được phê duyệt, huyện Ðiện Biên phải làm thủ tục chuyển đổi, đưa khu vực đồi Phắc Ven ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Dự toán tổng mức đầu tư dự án khoảng 50 - 60 tỷ đồng.

Về phương án đảm bảo an toàn cho người dân 2 bản: Mường Tỉnh A và Tìa Dình C, ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðối với điểm Tìa Dình C, thời điểm này đã có quyết định của UBND tỉnh về việc bắt buộc phải di chuyển đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình; trụ sở UBND xã Tìa Dình và 44 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất. Trong thời gian chờ phương án sắp xếp ổn định dân cư, UBND huyện đã triển khai phương án di chuyển tạm thời. Ðối với trụ sở UBND xã chuyển lên khu vực trung tâm Y tế; trường tiểu học đã thực hiện di chuyển trước mùa mưa 2019; vận động 21 hộ dân trở về nơi ở cũ ngoài vùng sạt lở, 23 hộ còn lại đợi UBND tỉnh phê duyệt phương án và bố trí kinh phí sẽ lập tức di chuyển. Ðối với bản Mường Tỉnh A, hiện tại huyện đang triển khai phương án di chuyển tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân. Phương án di chuyển cố định gặp vướng mắc bởi địa điểm bố trí tái định cư thuộc quy hoạch rừng phòng hộ; hiện nay huyện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình UBND tỉnh.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top