Khó khăn trong kiểm định chất lượng nước sinh hoạt

08:54 - Thứ Sáu, 13/09/2019 Lượt xem: 12825 In bài viết

ĐBP - Nước sinh hoạt nông thôn “cơ bản đủ dùng nhưng không đủ sạch” là thực trạng rất phổ biến trên địa bàn tỉnh. Song công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt còn nhiều khó khăn.

Ðoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại bản Huổi Lóng, xã Na Sang (huyện Mường Chà).

Ðến hết năm 2018, tỉnh ta có 81,97% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng 28,97% so với năm 2005. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nước sinh hoạt vẫn chưa đảm bảo. Thực tế hiện nay, việc quy hoạch sử dụng nước sạch để ăn uống, sinh hoạt chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn (chiếm tỷ lệ khoảng 5,94% dân số toàn tỉnh). Vùng nông thôn, vùng cao và một số khu vực cận thành thị chưa có nước máy, người dân chủ yếu phải sử dụng nguồn nước khe, suối, giếng đào, giếng khoan hoặc nước mưa chưa qua xử lý. Ông Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, trong đó có ô nhiễm nguồn nước. Ðó là sự biến đổi các chất lý, hóa, sinh học có trong nước gây nguy hại đến sức khỏe của con người khi uống trực tiếp và vệ sinh thân thể. Ðặc biệt, khi bị nhiễm các kim loại nặng như: Chì, đồng, thạch tín, chất phóng xạ và các vi sinh vật, nước có thể gây các bệnh nhiễm trùng đường ruột như tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, giun sán và các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, ung thư… Chính vì vậy, công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt là rất quan trọng và cấp thiết nhưng hiện nay triển khai rất khó khăn. Trong khi chính quyền cấp huyện chưa quan tâm, sát sao trong việc giao nhiệm vụ, đôn đốc các trung tâm y tế, trạm y tế xã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng nước định kỳ hàng năm thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù vẫn tiến hành thường xuyên nhưng không thể triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh do thiếu kinh phí.

Thiếu kinh phí là nguyên nhân chính dẫn đến công tác kiểm tra, xét nghiệm, giám định chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Trước đây, kinh phí được lấy từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ năm 2014 đến nay, Chương trình kết thúc, kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp không đáp ứng được như cầu. Cụ thể, năm 2015 được cấp 100 triệu đồng; năm 2016: 121 triệu đồng; năm 2017: 95 triệu đồng; năm 2018: 50 triệu đồng; năm 2019: 50 triệu đồng. Do đó số mẫu nước được lấy để xét nghiệm, kiểm định chỉ đạt 30 - 40% nhu cầu đề xuất. Ðể đánh giá trên cơ sở khoa học về chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt theo khuyến cáo của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thì cần tối thiểu 5% số hộ gia đình vùng nông thôn được xét nghiệm đánh giá. Tuy nhiên, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ thực hiện được từ 0,3 - 0,4% số mẫu trên tổng số hộ gia đình. Ngoài ra, đến nay việc kiểm định chất lượng nước sinh hoạt mới chỉ được triển khai tại các cơ sở cung cấp nước và hộ gia đình, còn việc giám sát chất lượng nước ở trường học chưa được triển khai. Hiện Trung tâm đã có phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC về các chỉ tiêu nước được xét nghiệm nhưng chỉ đủ năng lực xét nghiệm được 29/109 chỉ tiêu cơ bản (về chất lượng nước ăn uống); 14/14 chỉ tiêu về chất lượng nước sinh hoạt.

Năm học 2018 - 2019, huyện Tủa Chùa có gần 200 học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS các xã: Xá Nhè, Tủa Thàng và Mường Ðun bị bệnh ghẻ nước. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi huyện thành lập đoàn kiểm tra tại các đơn vị nhà trường có học sinh bị bệnh, kết quả kiểm tra ban đầu xác định nguồn nước sinh hoạt chưa đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh.

Công tác kiểm tra, xét nghiệm, kiểm định chất lượng nước sinh hoạt chưa được chính quyền cấp huyện quan tâm đúng mực, còn ỷ lại cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của Sở Y tế. Hiện nay, 100% huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh chưa triển khai đến các cơ quan chuyên môn việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân phân biệt được giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh; hướng dẫn người dân các phương pháp căn bản trong xử lý nước sinh hoạt trước khi ăn uống tại cơ sở còn rất hạn chế. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Từ trước đến nay, chưa có đơn vị nào thực hiện kiểm tra, quan trắc đánh giá chất lượng nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn. Ðồng thời công bố các chỉ số, kết quả xét nghiệm công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và yên tâm sử dụng nước sinh hoạt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top