Chung tay hành động chống rác thải nhựa

08:34 - Thứ Tư, 16/10/2019 Lượt xem: 16722 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc, tại Việt Nam, mỗi năm, người dân sử dụng, thải ra môi trường và đốt khoảng hơn 30 tỷ tấn rác thải nhựa, túi nilon. Ðây là con số rất đáng báo động, vì việc đốt rác thải nhựa sẽ thải ra chất độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người. Ðối với địa bàn tỉnh Ðiện Biên, do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cùng với ưu điểm tiện dụng, giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa, như: Vỏ hộp nhựa, túi nilon... đã và đang được sử dụng thường xuyên. Hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường từ các cơ quan, đơn vị, trường học và khối dân cư ngày càng tăng, đang là mối lo ngại của toàn xã hội.

Ðoàn viên thanh niên các đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn thu gom rác thải nhựa khu vực sông Nậm Rốm. Ảnh: Phương Liên

Thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động tháng 6/2019, nhiều cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư trong tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, cách làm hay để phòng, chống, thu gom, thay thế và tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm đối với môi trường sống. Trao đổi với chúng tôi, anh Ðặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, Tỉnh đoàn đã triển khai tới các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh, huy động đoàn viên thanh niên tổ chức các buổi thứ 7 xanh, ngày chủ nhật tình nguyện... tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom bao bì, túi nilon, vỏ nhựa... ở nơi công cộng, như: Chợ, bờ sông, cơ quan, đường giao thông, khu phố, thôn, bản... Ðồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền tại những đơn vị, cơ quan, trường học, cộng đồng dân cư về phòng, chống, thay thế, tái chế rác thải nhựa, với các nội dung chính là: Thay thế các sản phẩm nhựa, túi nilon bằng các sản phẩm chất liệu khác (túi giấy, túi vải) hoặc túi tái chế, dễ phân hủy; thay thế nước đóng chai trong các cuộc hội họp, tiếp khách bằng bình nước lọc và sử dụng ly đựng bằng chất liệu sứ, thủy tinh; không sử dụng ống hút nhựa, thay vào đó sử dụng ống hút bằng inox, tre, trúc; thực hiện phân loại rác tại nguồn (gia đình, cơ quan, nơi công cộng) để đơn vị thu gom rác dễ dàng xử lý... Nhưng để phong trào “Nói không với rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và mang lại hiệu quả cao nhất, phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay một số mô hình “Nói không với rác thải nhựa” của cơ quan, trường học và chính quyền cấp phường, xã đã phát huy tác dụng tốt trong việc thay thế, tái chế rác thải nhựa, thân thiện với môi trường, tạo sự lan toả trong tập thể đơn vị và cộng đồng dân cư. Một trong những đơn vị có cách làm hay là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Ðến thăm một số hội viên Hội LHPN phường Tân Thanh, chúng tôi gặp các bà, các chị trong hội đang thu gom, phân loại các loại rác thải tại khu vực sân rộng của phố. Cô Bùi Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thanh cho biết: Thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” ở nơi công cộng, các hội viên trong hội đã bảo nhau hạn chế sử dụng bao bì, vỏ nhựa, túi nilon khi đi chợ; tuyên truyền, vận động người dân ở 25 tổ dân phố, các cơ quan, trường học, chợ trên địa bàn phường chung tay vệ sinh môi trường, nhặt rác thải, vỏ hộp nhựa, túi nilon rồi tập kết, phân loại.

Hội LHPN phường Tân Thanh còn trích quỹ mua bao bì bằng chất liệu tái chế, dễ phân hủy, in logo của hội và phát cho hội viên, người dân trên địa bàn để đựng đồ dùng thay thế hộp nhựa, túi nilon. Bà Ngô Thị Nụ, tổ dân phố 4, phường Tân Thanh chia sẻ “Từ ngày Hội LHPN phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa” và phát bao bì mới, chúng tôi đã thường xuyên sử dụng khi đi chợ, mua đồ dùng và thấy hạn chế được lượng rác thải là vỏ nhựa, túi nilon thải ra từ gia đình. Tôi đã vận động người thân và hàng xóm chung tay hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường, giúp bảo vệ môi trường khu phố thêm sạch sẽ.

Tại Trường THCS Him Lam, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) được biết mô hình “Nói không với rác thải nhựa” do giáo viên và học sinh triển khai thành Ðề tài “Tái chế túi nilon thành gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” đã và đang đem lại hiệu quả tích cực, lan tỏa trong toàn trường. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy môn sinh - hóa cho biết: “Nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, chúng tôi đã thực hiện Ðề tài “Tái chế túi nilon thành gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Từ nguồn quỹ của nhà trường, giáo viên và phụ huynh đóng góp, chúng tôi đã thiết kế một hệ thống máy gồm: Nồi nấu, nắp chụm hút khí thoát ra để tái chế, ống dẫn kim loại, bình lọc khí, khuôn tạo gạch để tái chế túi nilon. Sau khi đưa vào hoạt động, máy đã phát huy tác dụng tốt trong việc nấu, tái chế túi nilon thành gạch lát đường”.

Quan sát mô hình máy tự chế của thầy, cô giáo trong nhà trường, chúng tôi thấy túi nilon được đưa vào nồi nấu, qua bình lọc có chứa vôi bột và than hoạt tính, kết hợp một số nguyên liệu khác, sau đó đổ vào khuôn tạo gạch, thành phẩm là viên gạch vuông vắn, chắc chắn, có thể dùng để lát đường. Thấy được tính khả thi của mô hình khá cao, các thầy cô trong trường đã đưa Ðề tài “Tái chế túi nilon thành gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” tham gia các cuộc thi về bảo vệ môi trường trong và ngoài tỉnh, nhằm đem mô hình phát triển rộng rãi. “Từ khi triển khai đề tài trong nhà trường, các em học sinh đã hưởng ứng nhiệt tình. Vào các ngày nghỉ, học sinh tự giác đi thu gom rác thải nhựa, túi nilon mang đến trường để cho vào  máy tái chế, chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn đề tài sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư của các đơn vị trong tỉnh, vừa giúp ích cho cuộc sống, vừa giảm thiểu lượng rác thải nhựa, túi nilon ra môi trường xung quanh” - cô giáo Nguyễn Thu Hà cho biết.

Bằng sự chung tay của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, hy vọng rằng, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” sẽ càng phát triển sâu, rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cho mỗi người về việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng và thải đồ dùng bằng nhựa, túi nilon ra môi trường.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top