Học chữ để vượt lên chính mình

08:38 - Thứ Sáu, 25/10/2019 Lượt xem: 13241 In bài viết

ĐBP - Cùng phối hợp với ngành Giáo dục và Ðào tạo mở các lớp học xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ, mô hình “Tự học chữ từ người thân, cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian qua thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trình độ nhận thức trong hội viên, phụ nữ. “Nguồn sáng” tri thức đã giúp hội viên, phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Lớp học xóa mù chữ do Chi hội Phụ nữ bản Chạng, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) tổ chức cho hội viên phụ nữ trong bản. Ảnh: Mai Giáp

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa hội viên phụ nữ mù chữ, tái mù chữ mới có nhu cầu học chữ mà ngay ở xã vùng lòng chảo như Noong Luống (huyện Ðiện Biên) khi thực hiện mô hình điểm “Tự học chữ từ người thân, cộng đồng” tổ chức đầu năm 2019 thu hút đông đảo chị em tham gia và 100% học viên đều là người dân tộc Thái. Chị em tham gia lớp học vốn không phải mù chữ mà đều thuộc diện tái mù chữ và nhiều người đã ở độ tuổi ngoài 40. Công việc đồng áng đầu tắt mặt tối nên việc dành cả ngày cả buổi học chữ với hầu hết chị em là điều không thể. Bởi vậy lớp học “Tự học chữ từ người thân, cộng đồng” do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào buổi tối tại Nhà văn hóa bản 9B được chị em đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc vận động để chị em tham gia lớp học ban đầu cũng chẳng dễ dàng, bởi nhiều chị đã lớn tuổi, ngại tiếp xúc với giấy bút, ngại đánh vần, viết chữ nên phải kiên trì lắm cán bộ Hội mới vận động được gần 40 hội viên, phụ nữ tham gia lớp học. Chị Tòng Thị Cương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Noong Luống cho biết: Ðể lớp học tổ chức thuận lợi, Hội đã lựa chọn 1 nhóm tuyên truyền viên là trưởng bản, chi hội trưởng, hội viên nòng cốt tham gia dạy chữ; đồng thời hàng tuần, hàng tháng tới từng gia đình hội viên động viên, khuyến khích chị em tham gia học chữ đều đặn.

Là một trong số học viên lớn tuổi của lớp học “Tự học chữ từ người thân, cộng đồng” chị Lò Thị Pánh, bản Lún B cho biết: Trước đây mình học chữ rồi nhưng lâu không sử dụng nên không còn nhớ mặt chữ nữa. Lúc đầu mình ngại đăng ký học phần vì lớn tuổi, phần vì ngại học. Tuy nhiên, được cán bộ Hội tuyên truyền, vận động mình hiểu được sự cần thiết phải biết chữ nên sau khi đăng ký tham gia lớp học mình đi học rất đều đặn, đầy đủ. Nhờ “cô giáo” Loan cũng là hội viên giống mình giảng dạy trực tiếp trong các buổi lên lớp nên chỉ sau hơn 1 tháng theo học mình đã viết được họ tên của mình và người thân trong gia đình. Kết thúc lớp học vào cuối tháng 3/2019, mình cùng các chị em khác trong xã đã vượt qua kỳ thi sát hạch, đọc thông viết thạo. Thay vì cảm giác tự ti, ngại ngùng trong tiếp xúc, giao dịch hàng ngày sau khi biết chữ mình tự tin hơn, tính toán nhanh hơn và biết thêm rất nhiều thông tin bổ ích qua các phương tiện truyền thông, nhất là kiến thức được áp dụng trong lao động sản xuất, chăn nuôi trồng trọt; phương pháp nuôi dạy con, cháu; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tại huyện vùng cao Tủa Chùa qua khảo sát cho thấy còn không ít hội viên phụ nữ mù chữ và tái mù, nhiều người không biết nói tiếng phổ thông. Hội hiện còn 2.524 hội viên mù chữ, tái mù; trên 2.240 hội viên không biết nói tiếng phổ thông; tập trung ở các xã: Tả Sìn Thàng, Huổi Só, Lao Xả Phình, Trung Thu... Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước, của Hội cấp trên cũng như tham gia công tác xây dựng Hội vững mạnh, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no… Chị Vì Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể giúp thêm nhiều chị em phụ nữ biết đọc biết viết, nói được tiếng phổ thông từ năm 2018 đến nay Hội đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện mở 19 lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ tại các xã: Sín Chải, Trung Thu, Huổi Só thu hút 453 hội viên tham gia. Với hình thức học buổi tối ngay tại Nhà Văn hóa cộng đồng của xã, của bản thuận lợi hơn nhiều cho học viên, hội viên không phải đi học xa và việc học buổi tối cũng không ảnh hưởng đến thời gian lên nương sản xuất. Khi hội viên biết chữ, việc tuyên truyền, vận động tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; thực hiện các hoạt động của Hội cũng thuận lợi hơn. Biết chữ, biết nói tiếng phổ thông chị em tự tin hơn trong cuộc sống.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành; đặc biệt là ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi ngày càng tăng, độ tuổi xóa mù chữ được mở rộng. Trình độ nhận thức của hội viên, phụ nữ về mọi mặt được nâng lên rõ rệt; vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định. Hội LHPN các huyện đã phối hợp với phòng Giáo dục và Ðào tạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ, về xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; triển khai khảo sát, điều tra số lượng cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn còn mù chữ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch lựa chọn hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp; đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các lớp học xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ; vận động, tuyên truyền hội viên xây dựng xã hội học tập tại địa phương thông qua các phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”... Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ, tái mù chữ bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của hội viên ở mỗi cơ sở Hội phụ nữ thời gian qua đã giúp thêm nhiều chị em biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông. Giúp chị em tự tin hơn trong giao tiếp, từ đó có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các chính sách, mô hình sản xuất, áp dụng để vươn lên thoát nghèo.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top