Nghề bốc mộ - Không chỉ là chuyện mưu sinh

09:05 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 16990 In bài viết

ĐBP - Nghi thức bốc mộ tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được bởi thực tế công việc và cả yếu tố tâm linh. Nghề bốc mộ là nghề rất đặc biệt, thợ bốc mộ không chỉ là chuyện mưu sinh mà họ làm việc bằng cả cái tâm, đức đối với người đã khuất.

Ông Lâm Hồng Vinh chuẩn bị vật dụng trước khi đi bốc mộ.

Một lần mục sở thị

Càng về đêm, nghĩa trang thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa càng rõ hơn tiếng côn trùng và gió rét thổi từng cơn. Lần đầu tiên chứng kiến việc bốc mộ từ đầu đến cuối khiến chúng tôi không khỏi nổi da gà. Những bóng đèn thắp sáng bằng máy phát điện phần nào xua đi sự lạnh lẽo. Hàng chục người thân gia đình ông T. D. T ngồi quây quần bên đống lửa lớn đợi đến “giờ lành” để cử hành nghi lễ bốc mộ bố ông T. đã mất cách đây 7 năm.

Ngồi cạnh nấm mồ của gia chủ, ông Lâm Hồng Vinh (53 tuổi), xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: “Tôi làm nghề thay áo, tắm rửa cho người chết được 12 năm. Không còn nhớ chính xác, nhưng số người chết được tôi làm nghi thức này cũng đến cả trăm”. Vừa nói ông Vinh vừa chỉ bộ đồ nghề với đầy đủ từ cuốc, xẻng, chậu, rổ rá… Trong đó, đặc biệt nhất là nước thơm màu đỏ được nấu từ 5 loại hương liệu và rượu để rửa hài cốt. Giờ đẹp đến, đội của ông Vinh gồm 3 người nhanh chóng vào việc. Bó hương được thắp lên, cắm xung quanh phần mộ, người nhà ông T. cùng 2 thanh niên trong đội bốc mộ cầm xẻng đào từng mảng đất hất ra hai bên. Vừa xác định vị trí quan tài, ông Vinh vừa nói: Làm mãi mới có kinh nghiệm đấy, trước kia nhiều lần đào lệch quan tài đến cả nửa mét, mất nhiều công, mà có khi không kịp “giờ lành” để đưa người chết sang “nhà mới”. Sau 20 phút đào đất, cỗ quan tài lộ ra. Gạt lớp đất ở trên nắp quan tài, ông Vinh gật gù: Tôi cam đoan là ông rất “sạch”. Người nào chưa “sạch” thì không có côn trùng nào sống được ở phần mộ, còn nếu ở vùng có nước thì trong hố chôn sẽ rất đục và nặng mùi...” Bỏ nắp quan tài, ông Vinh gom gọn lớp lưới ở trong quan tài, rồi bê lên trải ra tấm bạt mà đội của mình đã chuẩn bị sẵn. Như một bác sĩ giải phẫu lành nghề, ông Vinh thoăn thoắt nhặt xương, vừa nói như giới thiệu cho mọi người biết: Ðây là xương đùi, đây là xương sườn… Ông Vinh kỳ cọ xương 3 lần bằng nước, rượu và cuối cùng là rửa bằng nước thơm rồi xếp gọn vào trong tiểu sành. Khi xếp xương vào tiểu sành, “hoa cái” tức là sọ người được rửa trước rồi mới đến các loại xương khác. Nhẹ nhàng cầm xương sọ lên nhìn thẳng hốc mắt ông Vinh lầm rầm: “Con thay mặt cho gia đình, dòng họ lau mặt cho cụ lần cuối, cụ yên nghỉ nơi chín suối và phù hộ cho con cháu làm ăn”, rồi đặt chính giữa phía trên cùng tiểu sành, tiếp sau đến xương vai, xương sườn và lần lượt cho đến hết bộ phận cơ thể. Vừa làm ông Vinh vừa giảng giải: Xếp xương là khâu khó nhất, làm sao phải xếp đúng thứ tự, chân tay bên nào xếp vào bên đó, theo chiều dọc, 2 chiếc xương vai thì xếp từ trên xuống, áp vào 2 má của xương sọ, xương sườn và đốt sống để ở giữa, rồi xương hông...

Cái tâm của nghề

Sau khi bàn giao cỗ tiểu sành đã gọn gàng, đầy đủ cốt cho gia chủ, ông Lâm Hồng Vinh trò chuyện với chúng tôi về nghề của mình. Ông bén duyên với nghề do trước đây bố vợ ông từng làm quản trang tại Nghĩa trang C1 (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên), một lần xem bốc mộ thấy họ làm không đúng quy trình, không theo thứ tự nên quyết tâm theo nghề. Mừng nhất với ông là luôn được vợ ông ủng hộ, trước mỗi lần đi bốc mộ đều chuẩn bị nấu nước thơm, mua các vật dụng đầy đủ. “Lần đầu tiếp xúc với xương cốt tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng làm nhiều thành quen. Tôi nghĩ đơn giản đây cũng là một nghề, nghề làm phúc, nhiều gia đình neo người, không có chúng tôi thì chẳng biết trông cậy vào đâu khi nhà có việc”- ông Vinh tâm sự.

Bốc mộ nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp với nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm nghề phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả tinh thần và sức khỏe. Thường một lần bốc mộ kéo dài 2 giờ mới xong. Vậy mà có dịp ông Vinh cùng 2 người trong đội của mình là ông Lò Văn Dũng, Ðỗ Văn Lộc bốc 6 ngôi mộ trong một đêm. Dẫu vậy, chẳng bao giờ đội làm việc cẩu thả. Mọi thứ phải nâng niu, tỉ mỉ. Trong giới bốc mộ ở tỉnh hiện nay, đội bốc mộ của ông Lâm Hồng Vinh rất có tiếng, vì chuyên xử lý những ca khó. Ông Vinh có mẹo để “thay áo” cho những hài cốt chưa “sạch”. Hiện nay, đội bốc mộ của ông có gần chục thành viên, lúc nào cũng đủ đồ nghề chuyên dụng. Vào cuối năm, đội lại có mặt khắp các nghĩa trang trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện, thị của tỉnh. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia chủ ở các tỉnh: Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương cũng mời đội của ông về thực hiện nghi thức đặc biệt này. Có lần đi bốc mộ gặp trường hợp hài cốt để quá lâu (60 - 70 năm) hầu hết xương đã mục nát, ván quan tài bị sập, phải dùng tay cào đất lên mà không được dùng cuốc, xẻng rồi đem lên đãi từng chút một để tìm xương; lại có những trường hợp chết trẻ, xương non nên mục, không còn mấy...

Ông Vinh bảo làm nghề bốc mộ là làm nghề tâm đức. Cũng là mưu sinh nhưng không có tâm thì nghĩa cử đối với người đã khuất không trọn, sẽ không làm được. Thù lao trọn gói một lần bốc mộ từ 4 - 5 triệu đồng chia cho 3 - 4 người trong tổ, trong khi đó phải chuẩn bị rất nhiều dụng cụ. Vất vả, nhọc nhằn là vậy song những người như ông Vinh, ông Dũng, ông Lộc chưa lúc nào nghĩ sẽ bỏ nghề mà chỉ dừng khi… hết việc.

Có lẽ, những người làm nghề như ông Vinh sẽ “hết việc” khi đến thời điểm mà các gia đình đều làm như chia sẻ của ông T. D.T - người thuê đội ông Vinh bốc mộ cho bố mình: Những người bốc mộ vừa có “nghề” lại có tâm, gia đình rất yên tâm. Song theo tôi, xã hội ngày càng văn minh, nếu gia đình nào có người mất thì nên hỏa táng vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn, không phải làm thủ tục cải mả...

Mai Phương
Bình luận
Back To Top