Thiếu nước sinh hoạt ở Ðiện Biên Ðông

07:40 - Thứ Hai, 06/04/2020 Lượt xem: 9724 In bài viết

ĐBP - Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đang diễn ra tại một số xã vùng cao, trong đó xã Pú Nhi bị ảnh hưởng nhất. Tại các xã này, người dân thường xuyên phải sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, vì nhiều lý do, hàng loạt công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng không phát huy hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Người dân bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung phải lấy nước mó về sử dụng.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, bản Huổi Tao B, xã Pú Nhi được đầu tư gần 10 bể nước sinh hoạt tập trung. Thế nhưng đây lại là bản thường xuyên thiếu nước sinh hoạt nhất xã. Theo ông Tòng Văn Pọm, Trưởng bản Huổi Tao B thì các công trình nước sinh hoạt sau khi đầu tư chỉ được một thời gian ngắn đều không phát huy hiệu quả. Các bể chứa không có nước; một số công trình hư hỏng đường ống, bể chứa nước bị phá vỡ. Hàng ngày bà con trong bản phải đi lấy nước mó về sử dụng. Nhiều gia đình phải tự đầu tư hàng triệu đồng đi mua ống nhựa rồi lên đầu nguồn nước đấu nối dẫn nước về sử dụng.

Ông Mùa Chống Dính, Chủ tịch UBND xã Pú Nhi cho biết: Toàn xã có 13 bản, trung bình mỗi bản có từ 5 - 10 bể nước sinh hoạt, nhưng 100% bản đều thiếu nước sinh hoạt; thậm chí có những bản ngay cạnh hồ chứa nước Nậm Ngám như: Phiêng Ngám, Nậm Ngám A… cũng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên. Qua khảo sát của xã, hầu hết các công trình đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động, không còn khả năng sử dụng. Ngay tại khu vực gần trụ sở UBND xã có 5  bể nước sinh hoạt (mỗi bể cách nhau khoảng 20m), nhưng từ nhiều năm nay đã ngừng hoạt động.

Không chỉ người dân xã Pú Nhi, mà người dân ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông cũng đang phải đối mặt với tình trạng “khát” nước sinh hoạt. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng cho biết: Sau khi sáp nhập, xã có 9 bản, vào mùa khô hầu hết người dân các bản đều thiếu nước sinh hoạt. Những năm qua, mỗi bản đã được đầu tư 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, nhưng hầu hết các công trình này không phát huy hiệu quả, do nước đầu nguồn không có; một số công trình hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Bể không có nước, người dân phải bỏ tiền mua ống nhựa tự kéo nước trên núi về, tự xây bể chứa nước để sinh hoạt.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 214 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, vào mùa khô hầu hết các xã, thị trấn đều thiếu nước sinh hoạt. Ðây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng chưa có biện pháp xử lý. Ðể đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước”.

Ðược biết, trong tổng số 214 công trình nước sinh hoạt tập trung thì có 135 công trình hoạt động ở mức trung bình; 53 công trình hoạt động kém hiệu quả và 20 công trình không hoạt động. Nguyên nhân khiến nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp là do sử dụng đã lâu mà không được bảo dưỡng, sửa chữa vì không có kinh phí; một số công trình do ảnh hưởng mưa lũ, ống nước bị bục vỡ, hư hỏng; bể lọc, bể chứa rò rỉ nước. Bên cạnh đó, đối với một số công trình, do yếu kém trong khâu khảo sát nguồn nước dẫn đến không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là vào mùa khô. Vì vậy có công trình mới đưa vào sử dụng, dù chưa bị hư hỏng nhưng không đủ nước. Một nguyên nhân nữa là hầu hết các công trình đều chưa có quy chế vận hành sau đầu tư; có công trình mới chỉ giao cho một nhóm người trong bản không có chuyên môn quản lý. Chính vì vậy, công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không được quan tâm. Bên cạnh đó, ý thức quản lý, bảo vệ của người dân ở các khu vực được đầu tư xây dựng công trình cấp nước còn kém, thậm chí còn phá hỏng công trình cấp nước… Ðã có nhiều vụ tranh chấp đường nước sinh hoạt giữa các bản và giữa cá nhân với nhau. Gần đây nhất (ngày 21/2), xảy ra vụ tranh chấp nguồn nước sinh hoạt giữa người dân bản Nậm Ngám A với 3 hộ dân bản Pú Nhi A và Pú Nhi B (xã Pú Nhi). Theo đó, nguồn nước sinh hoạt này được dùng chung cho cả 3 bản, tuy nhiên 3 hộ dân trên đã ngăn hết nguồn nước, không cho chảy về bản Nậm Ngám A, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Chính quyền xã Pú Nhi đã vận động 3 hộ dân thuộc bản Pú Nhi A và B chia nước cho người dân Nậm Ngám A và người dân Nậm Ngám A sẽ trả tiền công 100.000 đồng/tháng cho 3 hộ dân trên. Tuy nhiên, 3 hộ dân vẫn không đồng ý chia nước cho người dân bản Nậm Ngám A. Ðến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, người dân bản Nậm Ngám A vẫn thiếu nước sinh hoạt.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top