Lúng túng khi triển khai Quyết định 33

07:46 - Thứ Hai, 06/04/2020 Lượt xem: 9235 In bài viết

ĐBP - Các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn hiện đang lúng túng, gặp nhiều vướng mắc trong chi bồi dưỡng người tham gia ở thôn, bản, tổ dân phố (TDP). Ðây là những vấn đề phát sinh sau khi Quyết định số 33/2019/QÐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, TDP; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, bản, TDP trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là Quyết định 33) có hiệu lực.

Chi hội trưởng hội phụ nữ tại thôn, bản đóng vai trò quan trọng triển khai các phong trào, hoạt động hội. Vì vậy việc bồi dưỡng theo quy định là cần thiết. Trong ảnh: Phụ nữ đội 13, 14, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Nguyễn Hiền

Quy định bồi dưỡng 50.000 đồng/người/buổi

Theo Quyết định 33, từ ngày 1/1/2020, chỉ có 3 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, TDP được hưởng phụ cấp là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, TDP và trưởng ban công tác mặt trận. Sau khi triển khai, nhiều chi hội trưởng các đoàn thể khác như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh (CCB)… nộp đơn xin nghỉ. Hoạt động đoàn thể ở thôn, bản, TDP và phải gắn vào trách nhiệm của những người được hưởng phụ cấp. Tuy nhiên có một số tổ chức mang tính đặc thù về giới tính, độ tuổi, lịch sử từng tham gia quân đội mà ở nhiều thôn, bản, TDP không có người phù hợp kiêm nhiệm. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều chi hội trưởng độc lập “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tham gia công tác đoàn, hội dù không có khoản hỗ trợ nào. Cũng theo Quyết định 33, những trường hợp này được bồi dưỡng 50.000 đồng/người/buổi khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, bản, TDP. “Căn cứ vào các khoản thu từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có), UBND cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể tùy theo tình hình cụ thể trên địa bàn để thực hiện việc chi trả tiền bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, bản, TDP theo đúng quy định”. Tuy nhiên đã hết quý I/2020 với nhiều hoạt động, đến nay chưa ghi nhận hội, đoàn thể nào tiến hành chi trả được tiền bồi dưỡng trên.

Lúng túng trong chi trả

Ông Vì Văn Phái, Chủ tịch Hội CCB xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Mặc dù quyết định đã rõ ràng như vậy nhưng khi triển khai thì có nhiều phát sinh, nên chúng tôi không biết chi trả bồi dưỡng như thế nào. Hội đã thực hiện chấm công, có chữ ký xác nhận của chính các chi hội trưởng, các ủy viên ban chấp hành Hội khi tham gia hội họp, sinh hoạt tại xã. Tuy nhiên vẫn băn khoăn, khi các đồng chí này tham gia hoạt động tại xã được bồi dưỡng hay khi chủ trì, tổ chức sinh hoạt, các hoạt động chi hội tại thôn, bản mới được bồi dưỡng 50.000 đồng/buổi, hay cả 2 trường hợp? Hơn nữa khi hội phí không đủ chi trả, cũng không huy động được xã hội hóa thì lấy kinh phí từ đâu. Chúng tôi mong được hướng dẫn cụ thể hơn”. Ðược biết Hội CCB xã Thanh Xương hiện có 346 hội viên, hội phí 3.000 đồng/người/tháng, hội phí được chi hội cơ sở giữ lại 40%, xã nộp lên tổ chức hội cấp trên 20%, còn lại cấp xã giữ 40% để chi các hoạt động và phục vụ công tác xây dựng Hội. Theo ông Phái tính thì mỗi năm Hội CCB xã còn giữ lại chưa đến 5 triệu đồng hội phí. Xã có 21 chi hội CCB tương đương với 21 chi hội trưởng, cộng cả các ủy viên ban chấp hành là 27 người. Sinh hoạt hội, sơ kết, tổng kết mỗi năm tối thiểu 4 buổi. Nếu nhân với mức bồi dưỡng 50.000 đồng/người/buổi thì đã hết 5,4 triệu đồng. Khoán kinh phí hoạt động của Hội CCB xã cả năm 5 triệu đồng, chỉ cơ bản đủ tổ chức hội nghị tổng kết cuối năm, một số hoạt động hội, nước uống, tài liệu cho các đồng chí đến hội họp; năm nào có ngày kỷ niệm chẵn, tổng kết phong trào theo các giai đoạn thì khó mà cân đối nên không có khả năng trích kinh phí để bồi dưỡng cho người hoạt động tại thôn, bản. Chủ tịch Hội CCB huyện Ðiện Biên Lê Văn Ðình cũng xác nhận, các hội cơ sở trên địa bàn huyện đều chưa tiến hành chi trả được tiền bồi dưỡng cho các hội viên tham gia hoạt động hội tại thôn, bản.

Còn đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ), sau khi sáp nhập, vì không có phụ cấp và đường đến trụ sở xã đối với nhiều bản xa hơn, tốn xăng xe đi lại nên nhiều chi hội trưởng chi hội phụ nữ xin nghỉ việc. Vì thế để triển khai các hoạt động công tác hội càng khó khăn hơn, việc thu hội phí cũng vậy. Mặc dù hội phí chỉ 1.000 đồng/người/tháng (với hơn 500 hội viên phụ nữ) nhưng tại một số bản vùng cao, gia đình nhiều chị em còn thiếu ăn, thiếu mặc nên khó thu hội phí. Nếu làm “căng” thì chị em xin ra khỏi hội nên có những năm Hội Phụ nữ xã đành trích từ phần hội phí được giữ lại để hoàn thành đóng hội phí lên cấp trên cho chị em. Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Minh cho biết: “Ðến nay, hội phí năm 2020 vẫn chưa thu được nên việc chi tiền bồi dưỡng cho các chi hội trưởng trực tiếp tham gia các hoạt động hội chưa thể tiến hành. Và với tình hình như hiện tại thì thực sự Hội chưa biết xoay sở như thế nào. Ðể xã hội hóa cũng rất khó bởi địa bàn còn nghèo, ít doanh nghiệp, có hoạt động gì thiếu kinh phí thì hầu hết là cán bộ và lãnh đạo xã bỏ tiền túi ra đóng góp”. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng cho biết: Sau khi triển khai Quyết định 33, nhiều tổ chức hội cơ sở “kêu khó”. Bởi có thôn, bản, TDP không có nữ để đảm nhiệm hoạt động, công tác hội. Một số chi hội trưởng độc lập vẫn giữ trọng trách nhưng làm không có phụ cấp và chưa được hưởng tiền bồi dưỡng theo quy định, nên dù các cấp hội có tích cực động viên tinh thần thì những đồng chí ấy cũng không giữ được nhiệt huyết, trách nhiệm như trước đây, chỉ cố gắng làm đến hết nhiệm kỳ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến nội dung trên của Quyết định 33, tỉnh chưa có hướng dẫn thêm nào về việc triển khai, chi trả. Bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ðiện Biên nhận định: “Quyết định 33 không có nội dung mở, trong trường hợp nếu không có nguồn thu khác và đoàn phí, hội phí không đủ chi trả tiền bồi dưỡng cho người trực tiếp hoạt động tại thôn, bản, TDP thì xử lý như thế nào? Ðến nay các tổ chức hội, đoàn thể phải tự cân đối. Tuy nhiên cấp huyện cũng chưa nhận được đề xuất chính thức nào từ cơ sở về việc hướng dẫn triển khai, giải quyết vấn đề này”. Muốn tháo gỡ được vướng mắc này thì có lẽ từ chính các tổ chức hội, đoàn thể xã, phường, thị trấn cần phải nghiên cứu kỹ nội dung của Quyết định và có đề xuất lên xã, huyện để kịp thời tìm hướng xử lý. Có thế mới đảm bảo được quyền lợi cho người hoạt động đoàn thể tại thôn, bản, TDP và động viên, giữ “lửa” nhiệt huyết cho họ.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top