Cùng suy ngẫm

Cẩn trọng với các trang mạng lừa đảo, mạo danh

07:43 - Thứ Ba, 07/04/2020 Lượt xem: 7561 In bài viết

Để thích ứng với xu thế mới của thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, thời gian qua, thị trường kinh doanh sách online (trực tuyến) có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các đơn vị xuất bản, phát hành sách, bên cạnh các trang web của đơn vị mình còn tích cực mở rộng các kênh phân phối, quảng bá trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ðiều đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, để chấp hành nghiêm chỉ thị của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, không ra đường khi không có việc thật sự cần thiết, việc lựa chọn mua sách qua mạng đã được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một số đối tượng kinh doanh phi pháp đã lập ra những trang mạng giả danh các nhà xuất bản (NXB) nhưng thực chất là để bán sách lậu, sách vi phạm bản quyền. Ðáng lo ngại là tần suất các trang này xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng.

Với cách đặt tên fanpage (nhóm cộng đồng có chung sở thích) dễ gây nhầm lẫn như "Xưởng In Nhà Xuất Bản Trẻ", "Trang Chuyên Xả Hàng Tồn Kho và Tổng Kho Xuất Bản Sách - NXB Trẻ" không ít người nhầm tưởng đây là các trang chính thức của NXB Trẻ. Tương tự là các trang như "NXB Nhã Nam - Trang Chuyên Xả Hàng Tồn Kho", "NXB Nhã Nam - Trang Thanh Lý Sách Tồn Kho" đã mạo danh Công ty sách Nhã Nam. Hàng loạt đơn vị xuất bản khác như First News, Trí Việt, Alphabooks,... cũng gặp phải trường hợp mạo danh tương tự. Nhằm gây lòng tin đối với khách hàng, trên các trang này thường dùng các chiêu thức như: sử dụng hình ảnh đại diện là logo của đơn vị xuất bản, lấy các bài viết từ trang chính của NXB để đăng tải lại, rao bán sách của các NXB, cũng áp dụng hình thức thanh toán online, giao hàng tận nơi... Chính vì thế, số người theo dõi và đặt mua sách tại đây khá đông. Tuy nhiên, thực chất những trang giả mạo này là nơi tiêu thụ sách lậu, sách vi phạm bản quyền, do đó giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán của các NXB. Sự tồn tại của các trang giả mạo này đang gây thiệt hại không chỉ cho các đơn vị xuất bản và người tiêu dùng, mà còn đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường xuất bản.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhiều đơn vị xuất bản đã vào cuộc bằng cách tích cực rà soát trên mạng, kịp thời đưa ra những cảnh báo với độc giả về các trang giả mạo, đồng thời báo cáo vi phạm tới cơ quan chức năng và đơn vị quản lý các trang mạng xã hội, yêu cầu chủ trang chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc loại bỏ và xử phạt các fanpage giả mạo còn gặp nhiều khó khăn bởi khi bị phát hiện, các trang này lập tức biến mất, số điện thoại không thể liên lạc, và chỉ sau một thời gian ngắn, những trang có nội dung tương tự lại xuất hiện.

Ngày 24-3, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác với 33 địa chỉ bán sách giả trong thời gian qua. Ðây là việc làm cần thiết của cơ quan chức năng, giúp ngăn chặn tình trạng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh thương mại điện tử nói chung, kinh doanh sách nói riêng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, còn cần sự hợp tác tích cực của cả cộng đồng. Cụ thể, độc giả chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, đã đăng ký với Bộ Công thương, hoặc nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ thông tin, cương quyết nói không với sách vi phạm bản quyền. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần thông báo cho cơ quan chức năng, đồng thời cảnh báo cho cộng đồng. Từ sự hợp tác và phát huy trách nhiệm của cộng đồng, các trang mạng lừa đảo, mạo danh sẽ sớm bị loại bỏ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top