Xuất hiện nhiều robot phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện

09:38 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 7811 In bài viết

Để hạn chế tối đa nhân viên y tế ra, vào khu vực cách ly nhằm giảm nguy cơ lây lan, bác sĩ Lê Ngọc Lâm - Quyền trưởng Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã chế tạo ra robot vận chuyển, phục vụ cho bệnh nhân trong khu cách ly…

Bác sĩ chế tạo robot phục vụ bệnh nhân

Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Các bệnh nhân này trở về từ Anh, sau đó đến cách ly tại bệnh viện dã chiến và phát hiện dương tính với COVID-19.

Để hạn chế tối đa nhân viên y tế ra, vào khu vực cách ly nhằm giảm nguy cơ lây lan, bác sĩ Lê Ngọc Lâm - Quyền trưởng Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã chế tạo ra robot vận chuyển, phục vụ cho bệnh nhân trong khu cách ly. Qua thời gian đưa vào hoạt động, robot đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho bệnh viện trong việc phục vụ điều trị bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Lâm, nhờ bản thân có kiến thức về điện tử cộng với sự đam mê nên sau khi có ý tưởng, ông đã cho ra mắt robot này sau thời gian 2 ngày thực hiện. Thiết kế của robot khá đơn giản gồm: 4 bánh xe, camera, khay đựng đồ và bộ điều khiển. Robot nặng khoảng 4,5kg nhưng có khả năng vận chuyển vật có trọng lượng 10kg đến từng phòng bệnh nhân. Khi đến đúng phòng, robot sẽ phát ra nhạc hiệu thông báo cho người bên trong ra nhận đồ. Toàn bộ quá trình vận chuyển của thiết bị được một y, bác sĩ điều khiển từ xa thông qua hình ảnh tương thích trên điện thoại di động.

Thiết bị điều khiển ở khoảng cách xa đến 40m, robot sử dụng pin, khi sạc đầy có thể sử dụng liên tục trong 6 giờ đồng hồ. “Con robot này điều khiển từ xa, sử dụng sóng tần số 2.4G cho khả năng truyền tải dữ liệu rất là xa, khoảng 30 đến 40m và thực hiện cũng rất là dễ dàng. Ngoài ra trên robot có trang bị hệ thống camera thu sóng wifi sẽ phát tín hiệu về cho người điều khiển qua điện thoại để quan sát giao tiếp với bệnh nhân”, bác sĩ Lê Ngọc Lâm nói. Tổng chi phí thiết bị lắp ráp robot khoảng 2 triệu đồng và có thể xoay chuyển linh hoạt nên dùng được cả ở những nơi có địa hình chật, hẹp.

Hiện tại robot do bác sĩ Lâm chế tạo đảm nhận việc mang thực phẩm, thuốc uống, vật dụng cần thiết đến cho người đang điều trị tại khu cách ly y tế, giúp giảm áp lực cho cán bộ y tế. Chia sẻ về ý tưởng thực hiện robot, bác sĩ Lê Ngọc Lâm tâm sự: “Tôi thấy một số đồng nghiệp phải thường xuyên ra vào khu cách ly, mỗi ngày khoảng 4-5 lần. Thứ hai, mỗi lần ra vào khu cách ly phải trang bị những bộ trang phục rất là tốn kém và phức tạp. Xuất phát từ thực tế đó, tôi mới có suy nghĩ tạo ra một chiếc xe để thay thế những nhân viên của mình làm những công việc này”.

Sau khi đưa vào sử dụng hiệu quả robot đầu tiên, bác sĩ Lê Ngọc Lâm đã sáng chế ra robot thứ 2. Sáng kiến của bác sĩ được Ban giám đốc bệnh viện, các đồng nghiệp đánh giá cao. Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cho biết sau khi kết thúc điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19, bệnh viện sẽ cho khử khuẩn hai thiết bị robot này và đưa vào phục vụ lâu dài ở Khoa Truyền nhiễm.

Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp đã đến trao giấy khen đột xuất cho sáng kiến này của bác sĩ Lê Ngọc Lâm. “Sáng kiến của bác sĩ Lâm trong thời điểm này vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng kịp thời, hạn chế số lần tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp phục vụ cho quá trình điều trị, cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, việc này còn thúc đẩy cho phong trào thi đua lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Đồng Tháp ở bối cảnh phòng chống dịch”.

Robot hoạt động tại khu cách ly ở Bệnh viện TP Huế.

Robot vận chuyển thức ăn, thuốc men ở Bệnh viện TP Huế

Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, giảm tải khối lượng công việc cho các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ “tuyến đầu” tại các bệnh viện, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, các giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã sáng chế robot để thay con người vận chuyển đồ dùng, thuốc men vào phòng cách ly.

Robot được chế tạo từ khung thép và inox không gỉ được chia làm 3 tầng để chứa các vật dụng; chân robot có 3 bánh xe được vận hành bằng nguồn điện từ bình ắc quy 12V. Ngoài ra, robot còn được lắp đặt camera, hệ thống loa, micro để các y, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe, hỏi đáp, trò chuyện với người được cách ly.

Điều đặc biệt, robot này được điều khiển khá đơn giản thông qua phần mềm ứng dụng trên hệ điều hành Android của ĐTDĐ có kết nối wifi. Sau gần 2 tuần nghiên cứu và lắp đặt, robot được sáng chế hoàn thiện và có thể vận chuyển vật dụng, thuốc men, thức ăn với trọng lượng khoảng 30kg.

“Robot được thiết kế dựa trên các vật liệu được tận dụng nên có chi phí thấp, khoảng 10 triệu đồng. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, hiện robot đã được bàn giao cho Bệnh viện TP Huế để phục vụ người cách ly tập trung tại đây”, một giảng viên khoa Điện - Điện tử tham gia sáng chế robot chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Huế cho biết, Bệnh viện là một trong số các cơ sở y tế trên địa bàn được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn làm nơi cách ly y tế các trường hợp F1 do tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, robot do các giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế sáng chế đã đáp ứng tốt yêu cầu công tác phục vụ trong y tế, giảm thiểu một phần công việc và hạn chế lây nhiễm cho các y, bác sĩ làm nhiệm vụ ở khu cách ly.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top