Vấn đề tuần này

Khơi dậy lòng tốt trong mỗi người dân

08:55 - Thứ Năm, 23/04/2020 Lượt xem: 9042 In bài viết

ĐBP - Ai thiếu thì đến lấy một phần, ai đủ rồi thì xin nhường người khác hoặc đóng góp thêm để phân phát cho người khác đang cần hơn. Câu nói trên xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông vào khoảng 2 tháng gần đây. Khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra và diễn biến phức tạp, làm trên 2,5 triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, trong đó trên 177.000 người tử vong. Tại Việt Nam, tính đến ngày 22/4 có 268 người mắc, đã chữa khỏi 222 ca và chưa có trường hợp nào tử vong do Covid-19.

Còn người là còn của. Thà chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm trong ngắn hạn chứ không để dịch bệnh hoành hành trên diện rộng dẫn tới chết người, thiệt hại đủ đường. Chính vì vậy, Trung ương Ðảng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bằng mọi cách phải quyết liệt dập dịch. Phương châm là “chống dịch như chống giặc”. Rất nhiều giải pháp mang tầm chiến lược được đề ra: giãn cách xã hội; hạn chế tập trung đông người; cấm các hoạt động vui chơi giải trí, vận tải hành khách, nhập cảnh khách quốc tế; đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, du lịch... không thiết yếu trong một thời gian.

Trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau. Cùng chung tay phòng, chống Covid-19, từ thành thị về nông thôn, từ vùng thấp lên vùng cao biên giới, các hoạt động quyên góp, ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, khẩu trang vải... phòng chống dịch bệnh được đông đảo người dân trong tỉnh, các tổ chức đoàn thể xã hội phát động, hưởng ứng đóng góp nhiệt tình. Nhiều cụ già, nhiều chị em người dân tộc thiểu số, công nhân viên chức lao động từ chỗ không biết may vá, nhưng vẫn xắn tay cùng bà con, anh em chòm xóm cắt may, hấp khử khuẩn khẩu trang tặng những người khó khăn không có điều kiện mua. Ai có gì góp nấy, miễn là các mặt hàng, nhu yếu phẩm đó có ích cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với cách làm này mà rất nhiều người nghèo tỉnh Ðiện Biên đã có khẩu trang sử dụng khi cần. Các mặt hàng nhu yếu phẩm gạo, mì tôm; thuốc thang, vật tư y tế, nước khử khuẩn... cũng đến nhiều hơn với người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thông tin đáng mừng là gần đây Chính phủ đã quyết định chi 62.000 tỷ đồng cứu trợ, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, lao động mất việc làm... do Covid-19. Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp áp dụng các giải pháp khoa học nhất để nguồn ngân sách trên sớm đến đối tượng thụ hưởng. Số tiền từ 500.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/đối tượng/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng. Mặc dù nguồn chu cấp không lớn, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong bối cảnh khó khăn này, người dân mong được nhận tiền hỗ trợ càng sớm càng tốt. Ðược biết, việc chi tiền cho đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 42/NQ - CP của Chính phủ sẽ được tiến hành trong một vài tuần tới. Với tỉnh ta, việc hỗ trợ sẽ không khó khăn như nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì lượng lao động tự do không nhiều, mà chủ yếu hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội... Danh sách này cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội địa phương, doanh nghiệp đã nắm khá rõ và rất ít biến động. Do vậy, việc chi trả sẽ rất nhanh, bà con cứ yên tâm tin tưởng vào chủ trương đầy tính nhân văn của Ðảng và Nhà nước.

Có người đặt câu hỏi? Liệu chính sách hỗ trợ lần này có bị tiêu cực? Ðồng tiền có “đi nhầm địa chỉ” vào “cổng nhà quan”? như một số chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo trước đây. Thực tình chưa ai dám chắc điều gì. Vì lòng người trắc ẩn, khó đoán. Ranh giới giữa cái tốt và thói xấu rất mong manh. Nhưng tin rằng, lòng tốt lúc nào cũng có và có trong đại bộ phận chúng ta. Và càng tin tưởng hơn khi những tuần gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... thấy đâu đâu cũng dấy lên phong trào quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn hết, vì sức khỏe, tính mạng người dân, các lực lượng chống dịch: Y tế, công an, quân đội... đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy nan, ngày đêm có mặt tại nơi tuyến đầu, vị trí trọng yếu để sàng lọc, cách ly, đưa đón, chăm sóc, chữa bệnh cứu người nghi nhiễm Covid-19 từ vùng dịch, vùng nguy cơ cao trở về. Chính cách làm, hành động quyết liệt và rất khoa học, đầy tình người này mà chúng ta đã thành công bước đầu trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, đem lại sự yên tâm, tin tưởng của người dân với đất nước.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top