Ðể tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả

09:22 - Thứ Năm, 23/04/2020 Lượt xem: 9241 In bài viết

ĐBP - Sau gần 20 năm triển khai xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL), tới nay trên địa bàn huyện Mường Nhé, 11/11 xã đã xây dựng thành công mô hình TSPL; góp phần đắc lực phục vụ công tác điều hành, giải quyết nhiệm vụ chuyên môn của cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của thời đại 4.0, internet; các phương tiện truyền thông hiện đại... mô hình TSPL tại huyện Mường Nhé đã không còn hiệu quả, cần có những giải pháp tháo gỡ...

Cán bộ tư pháp xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé ) sắp xếp tài liệu, sách pháp luật.

Ðể tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) vào trung tuần tháng 4. TSPL được xã bố trí đặt ở hội trường, nơi dễ quan sát và tập trung nhiều người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, TSPL với hơn 50 đầu sách các loại, nhưng số lượng độc giả đến tìm hiểu rất ít. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Duy Ðáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn chia sẻ: Hiện nay, cơ bản TSPL của xã thường chỉ có cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại xã đến để tra cứu, tìm hiểu thông tin khi có nhu cầu. Ðặc biệt, dù là xã vùng cao, biên giới, nhưng hiện nay các loại hình phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... đã dần phủ sóng ở hầu hết các thôn, bản, người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng cập nhật những thông tin mới, “nóng”, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, kể cả tìm kiếm thông tin về pháp luật. Ðiều này, dẫn tới việc tìm hiểu thông tin qua TSPL của người dân ngày càng ít dần; thậm chí có những tháng không có người dân nào đến đăng ký nhu cầu tìm hiểu. Không riêng xã Leng Su Sìn, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng trên diễn ra ở hầu hết các xã vùng cao: Mường Toong, Huổi Lếch, Pá Mỳ...

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh mới “tậu”, gắn sim 4G, anh Thào A Trù, bản Nậm Pố 3 (xã Mường Nhé) khoe với chúng tôi: Có điện thoại, mình có thể đọc báo, xem phim, tìm hiểu các thông tin, chính sách… nhanh chóng Thào A Trù chia sẻ: “Là trưởng bản, trước đây để phổ biến giáo dục pháp luật, các kiến thức về lĩnh vực kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh khu vực biên giới... tới nhân dân, tôi thường xuyên lên xã, đăng ký và cập nhật thông tin mới qua TSPL. Nhưng nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, tôi cũng như nhiều người dân trong bản không khó để tiếp cận thông tin pháp luật ngay tại nhà thông qua ti vi, máy tính, điện thoại thông minh.

Những năm trước đây, khi TSPL mới ra đời đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bổ sung kiến thức quan trọng cho người dân. Mỗi năm đón hàng nghìn lượt độc giả là cán bộ, công chức và nhân dân đến mượn đọc, tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật hoặc tìm đọc những cuốn sách có liên quan đến phát triển kinh tế, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế hiệu quả... Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay lượng độc giả đến tìm hiểu thông tin qua TSPL đã giảm mạnh (chỉ còn từ 200 - 300 lượt người/năm), chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các xã.

Lý giải về nguyên nhân, theo ông Trần Nho Tường, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Nhé thì: Do đặc thù là huyện vùng cao, trình độ dân trí còn hạn chế nên người dân chưa hình thành thói quen tự tìm hiểu thông tin qua TSPL. Chỉ khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi gia đình, cá nhân thì họ mới tìm hiểu. Hơn nữa, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát huy TSPL; công tác quản lý cũng như phục vụ, khai thác TSPL chưa thực sự hiệu quả gắn liền với đời sống nhân dân. Mặc dù, hàng năm các xã vẫn được cấp kinh phí để mua sách, tài liệu mới, nhưng số lượng sách, báo, tài liệu pháp luật vẫn còn quá ít, các đầu sách nghèo nàn, không có đủ theo quy định tại Quyết định số 06/2010/QÐ - TTg (trung bình mỗi xã có khoảng 50 đầu sách các loại); nhất là nhiều tài liệu cũ, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Ðặc biệt, hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, phủ sóng toàn quốc nên người dân có thể khai thác thông tin trên mạng internet nhanh chóng, thuận tiện nên hầu như các TSPL không có người đọc.

Không thể phủ nhận việc trang bị TSPL tại huyện Mường Nhé nói riêng, các huyện vùng cao nói chung đã góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân. Bởi vậy, trước nguy cơ bị “xóa sổ” TSPL, huyện Mường Nhé đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Trước nhất, huyện cần tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị về vị trí, vai trò của TSPL trong công tác chỉ đạo, điều hành, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò hạt nhân, “cánh tay nối dài” của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, giới thiệu các sách, tài liệu của TSPL đến tầng lớp nhân dân. Ðặc biệt, đối với các xã cần rà soát, kiểm tra việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới định kỳ để cung cấp cho TSPL; bảo đảm bổ sung các sách có chất lượng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu người đọc. Cùng với đó, duy trì và bảo đảm nguồn kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cũng như đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho quản lý, khai thác TSPL một cách hiệu quả, đúng quy định... Ðịnh kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật giữa TSPL cấp xã với các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở; các loại hình tủ sách tự quản tại cộng đồng mà người dân dễ tiếp cận.

Tín hiệu đáng mừng trong việc gỡ khó và nâng cao hiệu quả, chất lượng sử dụng các TSPL, ngày 13/3/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QÐ-TTg về “Xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật”, hy vọng sẽ là điểm tựa, cứu cánh cho các TSPL. Theo đó, điểm nổi bật là quy định về xây dựng TSPL điện tử quốc gia. Các loại sách, tài liệu pháp luật trong TSPL điện tử quốc gia rất phong phú và đa dạng: Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh; sách, tài liệu hỏi đáp, bình luận, giải thích, hướng dẫn pháp luật; tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật… Ðặc biệt, sách, tài liệu pháp luật cập nhật trên TSPL điện tử quốc gia sẽ được tra cứu, khai thác hoàn toàn miễn phí. Từ đó, mang lại những cách tiếp cận TSPL mới, dễ nhớ, dễ hiểu, góp phần nâng cao nhận thức cho độc giả nói chung, nhân dân các xã vùng cao, biên giới nói riêng.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top