Ngộ độc nấm – lời cảnh tỉnh ở vùng cao

15:55 - Thứ Tư, 29/04/2020 Lượt xem: 9111 In bài viết

ĐBP - Thống kê hàng năm trên địa bàn tỉnh có tới hàng chục vụ việc ngộ độc nấm được ghi nhận. Trong đó, đã có những cái chết thương tâm khiến không ít người phải xót xa, song dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với một bộ phận người dân vùng cao. 2 vụ việc ngộ độc nấm liên tiếp xảy ra chỉ trong tháng 4 vừa qua tại huyện Nậm Pồ, khiến 3 đứa trẻ phải thiệt mạng chính là lời cảnh báo, khiến nhiều người dân cần phải có cách nhìn nhận lại về những mối đe dọa từ nấm rừng.

Nạn nhân Lý A Bia thời điểm chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngồi trước hiên một ngôi nhà gỗ tại bản Nậm Pang, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, chị Lầu Thị Tùng hướng đôi mắt thất thần nhìn về phía xa. Người trong bản bảo chị đang nhớ thằng Cự (sinh năm 2008) - cậu con trai mới mất vì ngộ độc nấm rừng. Mỗi lần nhắc đến nó, chị đều không cầm được nước mắt mà thốt lên: “Tôi ân hận lắm! Do nó không phải đi học, tôi để nó đi chăn trâu trên nương nên nó hái nấm rừng ăn mà chết như thế. Lúc biết tin, tôi đến thì đã không thể gặp con lần cuối…”.

Những ân hận muộn màng của chị Tùng, cũng là nỗi lòng của chị Vàng Thị Si – người phụ nữ cũng mất con trong cùng vụ ngộ độc nấm này. Nhưng đau đớn hơn, chị Si đã từng có những giây phút hy vọng khi được gặp con lúc còn tỉnh táo. Lý A Bia (sinh năm 2005), là cậu bé bất hạnh ấy. Bia và Cự là 2 anh em họ, cùng đi chăn trâu và ngủ lại trên nương. Tối 3/4, thấy có nấm mọc ở bìa rừng giống với loại nấm mà gia đình đã từng ăn nên 2 anh em hái về nấu ăn. Sáng hôm sau, người ta phát hiện Cự chết tại chỗ, còn Bia mặc dù tím tái toàn thân, song vẫn có thể nói chuyện nên được đi cấp cứu. Sau 2 ngày nỗ lực điều trị, bệnh viện trả Bia về do không còn khả năng hồi phục. “Bác sĩ bảo, thằng bé ăn quá nhiều nấm, độc tố đã ngấm sâu vào cơ thế và phá hủy các cơ quan nội tạng rồi, không cứu chữa được. Nó mất sau đó ít ngày thôi” – chị Si dằn vặt.

Những giờ phút cuối cùng bên con, phải tận mắt chứng kiến sự đau đớn, dằn vặt của đứa con mình dứt ruột đẻ ra, và cũng là trụ cột chính của gia đình, chị Si càng xót xa. Thế nhưng, cũng như chị Tùng, chị Si chẳng thể làm gì khác ngoài nỗi ân hận, hối tiếc muộn màng.

Sự việc chưa khiến bà con ở Nậm Pang hết bàng hoàng, nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai trong những căn nhà dột nát, thì mới đây, cũng tại huyện Nậm Pồ, một vụ việc tương tự xảy ra đã cướp đi sinh mạng của cô bé mới vừa tròn 12 tuổi; 2 đứa trẻ khác may mắn thoát “án tử”, nhưng vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo đó, ngày 27/4, UBND xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) nhận được tin báo phát hiện 3 trẻ bị ngộ độc. Sau khi vào cuộc điều tra, xác minh thì lực lượng Công an xã xác định đó là các cháu: Hạng Thị Phua (sinh năm 2006), Hạng Thị Tang (sinh năm 2008, là em ruột Phua) cùng trú tại bản Huổi Thủng 1 và Giàng Thị Sư (sinh năm 2014), trú tại bản Na Cô Sa 3.

Qua lời kể của người thân trong gia đình, vào cuối giờ chiều ngày 25/4, 3 cháu đi hái nấm cạnh nhà về nấu ăn. Khoảng 7 giờ sáng 26/4 cả 3 cháu đều kêu đau đầu, buồn nôn, đau bụng và cả ngày đều không ăn uống được gì. Lúc đầu, khi người lớn hỏi các cháu đều không nói mình đã ăn nấm.

Đến khoảng 7 giờ sáng 27/4, thấy các cháu đau nặng, có nhiều triệu chứng khác thường, hỏi kỹ lại các cháu nói có hái nấm cạnh nhà về nấu ăn nên đã khẩn trương đưa cả 3 cháu ra trạm y tế xã để khám. Khi đến cổng trụ sở UBND xã Na Cô Sa thì cháu Hạng Thị Tang tử vong, 2 cháu còn lại được khẩn trương chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ.

Theo ông Giàng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa cho biết, gia đình 3 cháu có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ thường xuyên phải đi làm nương xa nên bọn trẻ ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Chính vì vậy, người lớn không thể kiểm soát con mình chơi gì, ăn gì hay phải đối mặt với những nguy cơ nào.

Cũng theo ông Lèng Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn – nơi có 2 nạn nhân tử vong vì ngộc độc nấm hồi đầu tháng 4, thì không riêng trẻ em, tình trạng người dân hái nấm mọc tự nhiên về ăn không phải hiếm. Việc kiểm soát hàng ngày của chính quyền hay các cơ quan chức năng là hết sức khó khăn, nên biện pháp có thể áp dụng là đẩy mạnh công tác truyền thông, để nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hiểu biết của người dân.

Hiện nay, đang vào thời điểm chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa làm cho mặt đất ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho hệ sinh vật rừng phát triển, trong đó có các loại nấm. Với cuộc sống gắn liền với nương, với rừng của đại bộ phận đồng bào vùng cao, trong nhiều ngôi nhà nhỏ, nấm là món ăn quen thuôc, thậm chí là thức ăn chính trên mỗi mâm cơm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nấm mọc tự nhiên trong rừng có đến hàng trăm loại, nhưng chỉ có 30 – 40 loài ăn được, còn lại đa phần là nấm độc. Trong khi đó, không phải ai cũng có hiểu biết, kinh nghiệm để phân biệt, nhất là trẻ nhỏ. Điều này càng làm cho nguy cơ xảy ra ngộ độc do ăn nhầm nấm độc càng lớn.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Điều trị tích cực và chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh), thì quan trọng nhất là hiểu biết của mỗi người dân. Nếu không may ăn phải nấm độc thì ngay khi còn tỉnh táo hãy cố gắng móc họng gây nôn, rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tuy nhiên, cách tốt nhất là không ăn nấm mọc tự nhiên, nhất là các loại nấm lạ, màu sắc sặc sỡ, để tránh những sự việc đau lòng, đáng tiếc như vừa qua.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top