Chiến trường xưa vươn mình đổi thay

09:23 - Thứ Tư, 06/05/2020 Lượt xem: 8627 In bài viết

ĐBP - Buổi sáng trong trẻo, thành phố trẻ bắt đầu ngày mới với tiếng hót của bầy chim, tiếng người chuyện trò trong những ngõ phố. Và trong những ngày đặc biệt này, còn vang lời kể chuyện chiến trường của những thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, lời người tham quan xôn xao tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Ðường phố Ðiện Biên rực rỡ cờ hoa. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tranh thủ những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, một nhóm bạn trẻ từ Hà Nội “phượt” bằng xe máy lên Tây Bắc theo quốc lộ 6. Nơi các bạn muốn chinh phục như bao phượt thủ khác là một trong “tứ đại đỉnh đèo” - Pha Ðin. Dừng xe đỉnh đèo, giữa mênh mông núi cao, vực thẳm, sừng sững 1 tấm bia di tích có dòng chữ: “Ðây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ Chiến dịch Ðiện Biên Phủ”. Những dòng chữ ghi dấu, nhắc nhở lịch sử như thôi thúc anh em trong đoàn tiếp tục hành trình. Chiến trường xưa Ðiện Biên Phủ sẽ là điểm cuối chuyến đi trong dịp ý nghĩa này.

Những chiếc xe máy bon bon trên đường 6 cũ xuống đến thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo. Các bạn trẻ vừa đi vừa ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, phóng tầm mắt đến những nương cà phê bạt ngàn, những ngôi nhà gỗ cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông bên đường. Có lẽ không nhiều người biết rằng, ngay sau khi chiến thắng thực dân Pháp, đoạn xuống đèo Pha Ðin 24km này thấm đẫm mồ hôi và cả máu của biết bao thanh niên xung phong mở đường. Hàng trăm thanh niên từ các tỉnh miền xuôi xung phong lên đây lấp hố bom, san đường, mở cua. Làm thủ công hoàn toàn với cuốc, xẻng, xà beng, mai, thuổng, đặt mìn phá đá… để Ðiện Biên có con đường cửa ngõ, thuận tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ông Trần Ngọc Lâm, tổ dân phố 2, phường Mường Thanh là cựu thanh niên xung phong bảo vệ con đường tiếp viện quân lương cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ từ năm 1953, rồi đến năm 1960 lại tham gia Công trường 6 mở đường Pha Ðin - Tuần Giáo. Ông chia sẻ: Ngày xưa chúng tôi làm mấy năm trời mới hoàn thành tuyến đường, đi lại đỡ vất vả. Sau nhiều năm, đường cũ được nâng cấp tốt hơn nhiều. Mà giờ đây còn có đường mới xây dựng bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, giúp xe lưu thông an toàn hơn. Tôi được biết tuyến đèo cũ giờ đây dành cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm, chinh phục và khám phá. Ðây là niềm vui của những người làm đường như chúng tôi, tuyến đường tốn bao công sức sau bao nhiêu năm vẫn phát huy được giá trị giao thông và cả du lịch, góp phần thu hút khách thập phương đến với tỉnh nhà.

Tiếp tục cuộc hành trình của các bạn trẻ từ Hà Nội, đặt chân đến TP. Ðiện Biên Phủ chiều ngày 1/5, sau hơn 1 ngày, những du khách trẻ đã tham quan hết các điểm di tích trong trung tâm thành phố: Hầm Ðờ-cát, tượng đài Chiến thắng, đồi A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Cảm xúc chung mà các bạn chia sẻ là sự xúc động trước năm tháng chiến đấu, hi sinh bất khuất, anh dũng của những người lính, của cha ông đi trước. Cảm nhận chung nữa là bất ngờ trước diện mạo chiến trường xưa, thành phố nơi cực Tây Tổ quốc. Anh Nguyễn Như Bách, thành viên đoàn du khách chia sẻ: Chúng tôi đã có một chuyến đi như mong đợi. Lần đầu lên Ðiện Biên, chúng tôi dễ dàng tìm được nơi nghỉ ngơi, ăn uống với dịch vụ thích hợp. Các điểm di tích thì khang trang, sạch đẹp, cảnh quan được gìn giữ, bảo vệ tốt. Thành phố đẹp, hiện đại. Nếu có thời gian tôi sẽ quay lại đây lần nữa.

Trong dịp đặc biệt cả đất nước chung niềm vui kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, chỉ tính riêng trong 2 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các điểm di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ trên địa bàn đón gần 1.900 lượt khách. Con số này tuy không cao so với cùng kỳ mọi năm nhưng trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh thì là số liệu khả quan, cho thấy tín hiệu du lịch dần hồi phục. Du khách lên với Ðiện Biên không chỉ tham quan, hòa dòng cảm xúc vào không khí lịch sử, các chứng tích lịch sử, mà còn thấy được dáng vẻ của một thành phố trẻ, một tỉnh miền núi đang vươn mình đi lên. Với những lợi thế là văn hóa bản địa đặc sắc, với những nghi lễ dân gian, thổ cẩm truyền thống mê hoặc du khách. Bạn bè phương xa không chỉ trải nghiệm văn hóa tại các bản văn hóa du lịch mà còn có thể nắm tay cùng xòe tại Lễ hội Hoa Ban - sự kiện mang thương hiệu Ðiện Biên được tổ chức thường niên, thu hút hàng vạn khách tham dự. Hay thử một lần bị té nước ướt nhẹp mà vẫn vui tưng bừng trong Tết Buôn Huột Nặm của dân tộc Lào, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)… Ðó còn là cánh đồng Mường Thanh thẳng cánh cò bay, hàng năm cung cấp hàng chục nghìn tấn gạo vang danh đặc sản Ðiện Biên dẻo, thơm đến khắp mọi miền. Rồi còn các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang từng bước khẳng định thương hiệu, trở thành hàng hóa, quà tặng được thị trường ưa chuộng, đưa nông sản tỉnh nhà đi xa, như: Chè cây cao Tủa Chùa, mật ong tự nhiên Ðiện Biên, bí xanh Tìa Dình, cà phê Mường Ảng… Tỉnh ta hiện có 11 chủ thể, 26 sản phẩm OCOP được công nhận, đánh giá cao, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Diện mạo tỉnh nhà còn được thấy qua hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng, hoàn thiện khang trang. Là nhà hàng, khách sạn, hàng quán, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều. Các xã đều trên đường cán đích hoặc duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu với luồng sinh khí mới, cuộc sống vật chất và tinh thần đều nâng lên…

Ðường phố những ngày này rực rỡ cờ, hoa. Chiến trường xưa đang vươn mình chào ngày mới với những thành tựu mới, xứng đáng với công sức, xương máu đã đổ xuống của cha ông.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top