Chúng tôi cần sự bền vững

10:20 - Thứ Năm, 07/05/2020 Lượt xem: 9236 In bài viết

ĐBP - Bước sang năm 2020 - năm cuối cùng thực hiện các nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðiện Biên Ðông khóa V, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, theo số liệu thống kê, cơ bản huyện đã đạt và vượt các mục tiêu nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, với những khó khăn đặc thù của địa phương và cả những tác động từ nhiều yếu tố, người dân Ðiện Biên Ðông cần có sự ổn định để phát triển bền vững.

Mường Luân là xã được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhất huyện Ðiện Biên Ðông. Trong ảnh: Một góc bản Mường Luân 3, xã Mường Luân.

“Ðiện Biên Ðông đứng đầu toàn tỉnh về hỗ trợ việc làm”

Ðó là khẳng định của ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông khi được hỏi về những kết quả nổi bật trong lĩnh vực lao động - xã hội trong thời gian qua. Ông Thức cho biết: Giai đoạn 2015 - 2019, thông qua các nguồn vốn, chương trình khác nhau, huyện Ðiện Biên Ðông đã tạo việc làm mới cho 2.779 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 556 lao động, đạt và vượt kế hoạch tỉnh, huyện giao. Nổi bật trong công tác giải quyết việc làm là công tác xuất khẩu lao động và đưa người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài huyện. Toàn huyện có 72 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm trên 50% tổng số lao động xuất khẩu của cả tỉnh. Ðồng thời, các thị trường lao động trong nước cũng được huyện quan tâm mở rộng, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Tính đến 31/12/2019, toàn huyện có trên 2.000 lao động đi làm việc tại các địa phương khác trong cả nước ngoài địa bàn huyện. Từ năm 2015 đến hết quý I/2020, toàn huyện đã đào tạo được 3.526 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện hiện nay là 28,7%; nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người lao động trên địa bàn về công tác đào tạo nghề đã được nâng lên. Ðiển hình là một số công nhân đang làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam như: Vàng A Cở, sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú tại bản Trống Dình, xã Háng Lìa, hiện là công nhân Công ty Than Hòn Gai - TKV, năm 2019 có tổng thu nhập trên 191 triệu đồng/203 ngày công, tính ra mức lương bình quân một ngày công là trên 940.000 đồng. Sau 2 năm làm việc tại Công ty, đến nay Vàng A Cở đã mua sắm khá đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho gia đình như: Ti vi, tủ lạnh, xe máy... phục vụ sinh hoạt. Với mức thu nhập ổn định, anh Cở có nguyện vọng gắn bó làm việc lâu dài tại Công ty. Ngoài ra, còn có các anh: Vàng A Cho (bản Háng Lia, xã Keo Lôm), thu nhập chi tiết năm 2019 là 214.800.000 đồng/196 ngày công, mức bình quân một ngày công là 1.096.000 đồng; Giàng A Thái (bản Huổi Va B, xã Háng Lìa), thu nhập năm 2019 là 193.591.000 đồng; Vừ A Dính (bản Nà Nếch A, xã Pú Hồng), thu nhập năm 2019 là 181.157.000 đồng. Bên cạnh một số điển hình ở trên, còn có nhiều con em là người địa phương đang làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với thu nhập ổn định bình quân từ 16 - 20 triệu đồng/tháng.

Về công tác giảm nghèo, theo mục tiêu từ đầu nhiệm kỳ, huyện phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống còn 32% (giảm 8%). Tuy nhiên, khi chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020 được áp dụng (chuẩn nghèo đa chiều), tỷ lệ hộ nghèo của Ðiện Biên Ðông tăng vọt lên 70,88% vào cuối năm 2015. Mặc dù vậy, bằng những giải pháp cụ thể, đến hết năm 2019, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 50,58% (giảm 20,3%), bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5,075%.

Trăn trở về sự bền vững

Theo ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Ðiện Biên Ðông, kết quả đã đạt được trong công tác triển khai thực hiện chính sách nhất là xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ việc làm trong thời gian qua trên địa bàn huyện là rất đáng ghi nhận và cần được duy trì, phát huy. Tuy nhiên, cũng theo ông Bằng, chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước là rất ưu việt, thể hiện sự chăm lo đến mọi mặt đời sống của nhân dân nhưng trong 117 chính sách đang được áp dụng cho địa phương hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân (gạo, muối, con giống...) cần có sự tổng kết, đánh giá hiệu quả của từng chính sách. Từ đó loại bỏ những chính sách không mang lại động lực vươn lên cho người dân và tệ hơn là tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại trong dân, thậm chí phát sinh tiêu cực, cục bộ trong bình xét, gây mất công bằng ở cơ sở, dẫn đến mất an ninh nông thôn. Nguồn lực từ những chính sách trực tiếp không phù hợp nên đầu từ vào kết cấu hạ tầng cơ sở như: Ðiện, đường, trường, trạm hay các thiết chế văn hóa.

Thực tế trên địa bàn, ông Bằng đã từng nhiều lần kiểm tra, trực tiếp chứng kiến biểu hiện của sức ỳ từ người dân khi nhận sự hỗ trợ trực tiếp các chính sách. Ðiển hình là chuyện của một cử tri, khi tiếp xúc đại biểu HÐND huyện đề nghị rằng: “Nhà nước đã hỗ trợ giáo dục, y tế, điện, gạo, muối... nay mong muốn hỗ trợ thêm... mỳ chính!”. Khi đó ông Vừ A Bằng đã rất gay gắt nêu quan điểm: Nếu một người đàn ông khỏe mạnh mà hàng tháng không lo cho vợ, con được cân muối, gói mỳ chính... thì không xứng đáng là người chồng, người cha! Hệ quả xấu từ tâm lý trông chờ là rất nặng nề, dẫn đến sự tụt hậu của cả nền kinh tế khi người dân không có động lực lao động, cứ “đến hẹn lại lên” nhận hỗ trợ, hết lại có, giống như “nồi cơm Thạch Sanh vậy” (năm 2019, huyện Ðiện Biên Ðông là địa phương được hỗ trợ gạo nhiều nhất tỉnh). Những người này không hiểu rằng, đó không phải “nồi cơm Thạch Sanh” mà là tâm huyết của cả một hệ thống hoạch định chính sách, cấp ủy, chính quyền, là mồ hôi công sức của rất nhiều người tiến bộ đang hàng ngày, hàng giờ miệt mài lao động, đóng góp. Trong đó có cả những người con địa phương như anh Vàng A Cở, anh Vàng A Cho đang làm việc ở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Nói đến anh Cở, anh Cho, đó đúng là những “điểm sáng”, tấm gương về sự nỗ lực, chịu khó học hỏi, lao động để vươn lên nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho bản thân, gia đình... Xuất phát điểm của họ cũng là thành viên hộ nghèo nhưng không đại diện cho 50,58% số hộ trong huyện hiện nay. Họ có thể đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cho huyện nhưng không là mấu chốt trong định hướng xóa đói giảm nghèo của huyện. Vấn đề cần ở đây là sự phát huy từ nội lực, với sự phát triển đồng bộ về hạ tầng nông thôn và chuyển biến trong khát vọng vươn lên của người nghèo. Ðiều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là làm cách nào để cho người dân chuyển biến được nhận thức, địa phương có nguồn lực ổn định để duy trì, vận hành hệ thống  hạ tầng đã được đầu tư, hạn chế những yếu tố mang tính “ngoại lực” ảnh hưởng đến các vấn đề như: Quy hoạch, môi trường, nguồn nước... tác động xấu đến sinh kế của bà con. Tất cả nhằm mục đích lớn nhất là mang lại thu nhập bền vững cho nhân dân.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top