Thiết thực đào tạo nghề nông nghiệp

09:33 - Thứ Sáu, 08/05/2020 Lượt xem: 10704 In bài viết

ĐBP - Dạy nghề nông nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng lấy thực hành là chính, với phương châm “cầm tay chỉ việc” trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp lao động nông thôn (LÐNT) có kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nhân lực qua đào tạo này góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, lao động thực hiện các Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Học viên lớp kỹ thuật trồng ngô tại xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) thực hành trên mô hình sản xuất.

Bài 1: Ði đúng hướng

Thanh Nưa là xã thuần nông của huyện Ðiện Biên. Vì thế công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 mục tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã đề ra là đào tạo nghề từ 200 lao động trở lên. Ðiều đáng mừng là mục tiêu này đã vượt rất cao so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra khi có tới 450 lao động nông thôn được đào tạo nghề (chủ yếu là nghề nông nghiệp); lao động sau học nghề có việc làm, nâng cao thu nhập. Riêng trong năm 2019 có 140 nông dân tham gia học nghề nông nghiệp được tổ chức tại địa phương (2 lớp trồng cây ăn quả, 1 lớp trồng ngô và 1 lớp trồng nấm).

Ông Lường Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nưa cho biết: Sau khi học các nghề nông nghiệp, nông dân trong xã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Trước đây, khá nhiều diện tích trên kênh chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm, vụ 3 thường bỏ hoang hoặc canh tác nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Từ khi học nghề kỹ thuật trồng ngô do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều diện tích ngô đã được đưa vào trồng vụ 3. Bà con phấn khởi khi năng suất ngô tăng lên 55 - 57 tạ/ha thay vì chỉ đạt 45 - 47 tạ/ha như trước. Tận dụng lợi thế nằm ven quốc lộ 12 không chỉ đợi ngô bắp già thu hoạch bán làm thức ăn gia súc mà nhiều hộ bán lẻ làm đồ ăn vặt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị Cà Thị Yến, bản Nà Rốm cho biết: Học nghề kỹ thuật trồng ngô, tôi và các học viên khác được giảng viên trang bị kiến thức cũng như hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng ngô như: Thời vụ, giống ngô, chuẩn bị đất trồng, phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây ngô… Trong quá trình học, chúng tôi được thực hành ngay trên đồng ruộng nên dễ nhớ, dễ hiểu và dễ áp dụng. Sau khi học nghề, tận dụng diện tích bỏ hoang vụ 3 như các năm trước, gia đình tôi đưa ngô nếp vào trồng, trừ chi phí thu về hơn chục triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết: Nâng cao hiệu quả dạy nghề nông nghiệp cho người học và để người học làm được việc sau học nghề, chúng tôi áp dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc” trên mô hình cây trồng, vật nuôi. Tài liệu, giáo trình giảng dạy được biên soạn ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu để học viên dễ tiếp thu; đặc biệt lấy thực hành là chính… Phương pháp đào tạo, giảng dạy này giúp bà con áp dụng kiến thức đã học ngay sau khi hoàn thành khóa học và làm được nghề, tự tạo việc làm hoặc tăng thu nhập trên chính mảnh đất canh tác trước đây. Trong năm 2019, Trung tâm tổ chức 12 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 420 học viên tại các xã: Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Sam Mứn, Pom Lót, Mường Pồn (huyện Ðiện Biên); xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). Các nghề thu hút đông đảo người dân học đó là kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng và bảo quản nấm… Sau học nghề, hơn 85% học viên có việc làm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngoài công tác đào tạo, dạy nghề theo nguyện vọng, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng định hướng, kế hoạch dạy nghề cho nông dân sát với điều kiện thực tế dựa trên tiềm năng, lợi thế từng địa phương.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Mường Mùn (bản Lúm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo) được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Hiện có 10 thành viên tham gia các ngành nghề sản xuất kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng rừng... trên tổng diện tích canh tác 8ha. Ðiều đặc biệt ở HTX này là các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX cho biết: Dù trước đó ai cũng làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do địa phương tổ chức. Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX. Trong năm 2019 thu nhập bình quân đạt 3,5 - 10 triệu đồng/thành viên/tháng. Ông Chuyên cho biết: Do thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, nên chúng tôi họp bàn quyết định phân kỳ trong chăn nuôi gia cầm, gia súc tránh tình trạng bán cùng thời điểm, “cung” vượt “cầu”. Nuôi gà chân đen được xác định là hướng đi chủ lực trong giai đoạn hiện nay của HTX. Chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên thị trường tiêu thụ gà chân đen không chỉ bó hẹp ở Tuần Giáo mà vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu. “Tiếp sức” cho HTX, mới đây Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất, như: Máy băm cỏ, máy nghiền, máy ép cám, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Sự hỗ trợ thiết thực này cùng những nỗ lực của các thành viên HTX sau học nghề sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi, trồng trọt nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bài 2: Giải pháp căn cơ

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top