Thiết thực đào tạo nghề nông nghiệp

Bài 2: Giải pháp căn cơ

09:31 - Thứ Hai, 11/05/2020 Lượt xem: 9194 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LÐNT), đảm bảo kiến thức, kỹ năng để người lao động áp dụng vào sản xuất hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều giải pháp căn cơ, gỡ khó trong công tác đào tạo cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo được tập trung bàn thảo để cùng khắc phục, giải quyết.

Bài 1: Ði đúng hướng

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả tại xã Thanh Hưng.

Tránh đào tạo nghề nông nghiệp tràn lan, không hiệu quả; trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm tới việc phối hợp với các địa phương trong tỉnh tập trung đào tạo nghề cho LÐNT ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành, thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi; ưu tiên lao động vùng khó khăn, biên giới… Nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề nông nghiệp luôn được quan tâm và ưu tiên phân bổ kịp thời để tổ chức thực hiện. Riêng trong năm 2019, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã phân bổ hơn 11,6 tỷ đồng thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố. Linh hoạt, đổi mới trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp, hướng đến giải quyết việc làm theo hướng tạo việc làm mới, tự tạo việc làm hoặc nâng cao thu nhập từ nghề đã học trong sản xuất, kinh doanh. Theo hướng đào tạo như vậy, nên trong năm qua có 3.917 người được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trong đó, 3.272 lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn).

Với những nghề như nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh trước đây vốn làm theo kinh nghiệm nên vật nuôi thường bị dịch bệnh, năng suất không cao. Khi tham gia học nghề, bà con được trang bị kiến thức hệ thống, được hướng dẫn các phương pháp và kỹ thuật lựa chọn vật nuôi chất lượng; cách chăm sóc khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều người sau khi được học nghề, được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật và tự tin hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những nghề còn khá mới với người lao động như cạo mủ cao su thì sau học nghề bà con có cơ hội làm việc trong các tổ, đội sản xuất, các nông trường cao su vùng dự án. Ðây cũng là hướng đi mới vài năm gần đây được tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên thực tế, dù công tác đào tạo nghề nông nghiệp được quan tâm và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, song do là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển; nguồn vốn đầu tư cho dạy nghề chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Người học nghề phần lớn là dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới, trình độ học vấn không đồng đều, kinh tế còn khó khăn nên ít có khả năng tham gia học nghề. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng mở rộng phát triển sản xuất trong những năm vừa qua còn ít, chủ yếu là ổn định sản xuất nên ảnh hưởng đến khả năng thu hút lao động vào doanh nghiệp… Ðây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hạn chế trong việc dạy nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Từng bước giải quyết những khó khăn này và để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp, vấn đề được quan tâm hiện nay đó là tạo nguồn nhân lực có tay nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, khi tham gia Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và xây dựng nông thôn mới. Người lao động sau học nghề tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất rau, quả, an toàn theo hướng VietGAP, vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, có hợp đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp; các làng nghề, ngành nghề nông nghiệp nông thôn. Ðể làm được điều đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, vận động, tuyên truyền Ðề án Ðào tạo nghề cho LÐNT nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề nông nghiệp nói riêng đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Chú trọng tới việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho LÐNT trong quá trình đào tạo, thông tin rộng rãi về những lao động đã thành công sau khi học nghề. Và đặc biệt cần thực hiện tốt khâu khảo sát nhu cầu người học, ngành nghề mong muốn được đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo sát, đúng với tình hình thực tiễn gắn với vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực theo định hướng, kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho LÐNT năm 2020 của UBND tỉnh, trong năm sẽ có 4.903 người được đào tạo nghề nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện hơn 13,7 tỷ đồng được huy động từ vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách địa phương; vốn lồng ghép các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top