Lan tỏa lối sống “xanh”

08:38 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 8761 In bài viết

ĐBP - Sống “xanh” là một trào lưu đang được hưởng ứng tích cực nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Lan tỏa như một hiệu ứng tích cực, càng thêm nhiều người chọn lối sống này trong sinh hoạt cá nhân, hoạt động cộng đồng để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Đoàn Thanh niên xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) làm “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế, góp phần bảo vệ môi trường.

Sống “xanh” khó hay dễ luôn là câu hỏi đặt ra với rất nhiều người và chúng tôi tin rằng đáp án hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, ý thức, hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng, xã hội. Vậy trước nhất phải hiểu sao cho đúng về sống “xanh” để lựa chọn cách giải quyết phù hợp. Cách hiểu đơn giản nhất “sống xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên, đáp ứng được nhu cầu sống hiện tại mà không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, không tác động tiêu cực tới môi trường sống. Chính vì vậy, trách nhiệm trước những hành động dù nhỏ nhưng tích cực, tốt đẹp của mỗi người trong việc góp phần bảo vệ môi trường đã là “sống xanh”, sống thân thiện với môi trường. Góp nhóm những hoạt động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày từ những việc làm, hành động cụ thể của mỗi chúng ta đang lan tỏa những hành động đẹp trong sống xanh, ít tác động lên môi trường, giảm thiểu lượng rác thải ra bên ngoài. Chính vì vậy, thời gian qua rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã và đang thực hành tích cực lối sống này. Chị Phạm Thị Huế, Bí thư Huyện đoàn Tủa Chùa cho biết: Ðể nhiều bạn trẻ hưởng ứng lối “sống xanh”, có lợi cho môi trường, Ban Chấp hành Huyện đoàn đã tích cực nâng cao ý thức cho đoàn viên thanh niên (ÐVTN) trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phong trào “chống rác thải nhựa”. Huyện đoàn phát động rộng khắp đến các cơ sở Ðoàn giúp cho ÐVTN nhận thức đúng về “sống xanh” để từ đó tích cực tham gia các hoạt động nhằm hạn chế và hướng tới không sử dụng chai, cốc, lọ nhựa dùng một lần; đồng thời khuyến khích phong trào tái chế rác thải thành những đồ dùng có ích trong đời sống. Cùng với việc tích cực vận động ÐVTN tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, Huyện đoàn huy động ÐVTN trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thu gom chai, lọ nhựa; lốp xe ô tô cũ… để làm đồ chơi tặng cho trẻ em ở các thôn, bản vùng cao. Thông qua việc làm này, không ít gia đình ở vùng cao cũng dần thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế sử dụng đồ nhựa làm vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Còn ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư, nhịp sống hối hả cũng là nơi chịu ảnh hưởng, tác động nhiều của biến đổi khí hậu, môi trường sống thì “sống xanh” không chỉ được nhiều người quan tâm mà hơn cả là thay đổi thói quen trong lối sống, sinh hoạt thường ngày có lợi hơn, thân thiện với môi trường hơn. Dù bận rộn với công việc ở cơ quan, song hằng ngày chị Nguyễn Thị Hiền (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) và gia đình nhỏ vẫn dành thời gian chiều muộn để cùng luyện tập chạy bộ, đi xe đạp hoặc chơi những môn thể thao nhẹ nhàng. Vật dụng trong gia đình được thay thế đa phần bằng đồ thủy tinh, sứ, inox thay vì sử dụng đồ nhựa như trước. Thời gian cuối tuần rảnh rỗi chị dành thời gian chăm sóc cây xanh, trồng hoa cỏ trên sân thượng, ban công… Chị Hiền chia sẻ: 2 đứa con đi học tiểu học hàng ngày chị đều chuẩn bị bình nước thủy tinh đựng nước uống cho các con đem tới trường chứ không sử dụng nước lọc bằng chai nhựa mua sẵn. Khẩu phần ăn uống trong bữa ăn của gia đình cũng được chuyển từ nhiều thịt các loại sang tăng cường cá, rau xanh, củ quả nhưng có tính toán để đảm bảo dinh dưỡng. Bản thân chị Hiền cũng hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ mua sắm thực phẩm và thường tìm đến những cửa hàng sử dụng những sản phẩm thay thế túi nilon để mua đồ. Chị Hiền cho rằng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường thì việc lựa chọn lối “sống xanh” này cũng giúp gia đình tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt; giảm được khá nhiều lượng rác thải ra môi trường.

Còn với chị Ðặng Thùy Linh, chủ cửa hàng thực phẩm Ning Home tại TP. Ðiện Biên Phủ cho biết, kinh doanh các mặt hàng rau, củ quả an toàn thực phẩm thời gian khá dài và điều đặc biệt chị Linh hướng tới không chỉ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng mà chị còn lựa chọn lối sống “xanh” ngay từ khi manh nha ý tưởng kinh doanh. Ðể biến ý tưởng thành hiện thực khi bắt tay vào kinh doanh, rau xanh các loại bày bán tại cửa hàng thay vì được chuyển tới tay người tiêu dùng bằng cách đựng trong túi nilon thì đều được dùng lá chuối để gói, dùng lạt để buộc rồi đựng trong túi giấy. Chị Linh tâm sự, kinh doanh các mặt hàng nông sản, rau xanh, củ quả, nhiều đồ uống nước ép sử dụng nông sản hữu cơ, nếu sử dụng túi nilon thì mỗi ngày cần cả trăm chiếc to nhỏ khác nhau. Như vậy không chỉ tốn tiền trong việc mua túi nilon mà cũng từng ấy túi nilon sẽ thành rác sau khi đựng đồ khách hàng phải xả ra môi trường. Vì vậy việc sử dụng vật dụng thay thế túi nilon thuận tiện hơn rất nhiều vừa đỡ tốn chi phí, hạ giá thành sản phẩm khi tới tay khách hàng. Chị Linh nhớ lại, những khách lần đầu tiên tới mua hàng khá ngạc nhiên với cách sử dụng vật dụng thay thế này nhưng lại rất hài lòng, thiện cảm. Mỗi khách hàng tới mua đều được cửa hàng tặng túi giấy thay vì túi nilon và khuyến khích tái sử dụng khi đi chợ, mua sắm ở những lần sau. Các sản phẩm nước ép từ rau quả, sữa hạt… đựng trong cốc, lọ, hay ống hút của cửa hàng đều bằng thủy tinh. Tuy mức đầu tư ban đầu cao hơn nhiều so với đồ nhựa, song thời gian dùng bền vừa mang lại cảm giác an toàn, thân thiện với môi trường cho người sử dụng. Nhờ vậy mà cửa hàng có lượng khách khá ổn định, tin tưởng và tới mua sắm, lựa chọn nhiều hơn.

Việc ngày càng nhiều hơn cửa hàng, siêu thị đồng hành cùng khách hàng trong sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa, túi nilon đã và đang góp phần thay đổi dần nhận thức của mỗi người, hướng tới lối “sống xanh”, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó nhiều cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên để đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp đã trở thành hoạt động đẹp góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Và những phong trào, hành động thiết thực ấy đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân, cộng đồng thêm ý thức giữ gìn để môi trường sống thêm “xanh”.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top