Những “Ngôi nhà xanh” ở huyện Ðiện Biên

08:49 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 10144 In bài viết

ĐBP - Chống rác thải nhựa là phong trào lớn do Chính phủ phát động. Hưởng ứng phong trào đó, hàng loạt địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang tạo dựng cho mình những phần việc, mô hình cụ thể, thiết thực. Một trong những hoạt động nổi bật, mang lại giá trị “kép” đang được các đoàn viên, thanh niên huyện Ðiện Biên hưởng ứng nhiệt tình, đó là biến những nguyên vật liệu sẵn có thành “Ngôi nhà xanh”, với sứ mệnh lan tỏa lối “sống xanh”.

Ðại diện Chi đoàn LÐLÐ tỉnh và Ðoàn xã Núa Ngam bàn giao “Ngôi nhà 200 đồng” cho Trường THCS Núa Ngam.

Sau thời gian dài phải tạm dừng các hoạt động phong trào vì dịch bệnh Covid-19, những ngày đầu tháng 5 vừa qua, đoàn viên thanh niên một số xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên, như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa… đã cùng gặp nhau trong một hoạt động đầy ý nghĩa: Thiết kế những “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu và rác thải nhựa. Từ những nguyên vật liệu tận dụng, như: Sắt thép, lưới B40, tấm tôn… qua đôi bàn tay của các đoàn viên, thanh niên, những ngôi nhà “tí hon” dần được hình thành.

Mặc dù không có tay nghề bài bản, song mỗi người đều được tham gia một phần việc cụ thể với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao nhất. Anh Trần Văn Cường, Bí thư Ðoàn xã Thanh Nưa có nhiệm vụ hàn xì, gắn các mấu nối làm khung nhà. Thoăn thoắt đôi tay bên những mối hàn, anh Cường cho biết: “Mỗi ngôi nhà được thiết kế hết sức đơn giản, với diện tích trung bình khoảng 1 - 2m2, được lợp mái tôn. Chiều cao thì tùy ý, nhưng phải phù hợp với học sinh ở các trường sẽ mang phế liệu đến. Ðảm bảo làm sao gọn nhẹ, thuận tiện cho học sinh sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt”.

Chia sẻ về những ngày đầu phát động phong trào tại cơ sở, chị Lò Thị Thúy, Bí thư Ðoàn xã Thanh Luông cho biết: Kinh phí làm nhà do chúng tôi tận dụng và quyên góp từ các gia đình đoàn viên, chứ không có nguồn đầu tư. Lúc đầu triển khai tôi nghĩ sẽ khó, vì anh em đoàn viên cơ bản đều không dư dả. Song với mục đích và ý nghĩa mang lại, cho đến giờ, các đoàn viên thanh niên đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ bàn giao cho các trường học trên địa bàn để nhà trường hướng dẫn, tuyên truyền học sinh sử dụng hiệu quả, nhằm giảm thiểu các loại rác thải nhựa xả ra môi trường. Bên cạnh đó, tùy thuộc tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi nhà hết sức chứa, chúng tôi sẽ thu gom phế liệu mang đi bán, nhằm gây quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Với một tên gọi khác, “Ngôi nhà 200 đồng” của Chi đoàn LÐLÐ tỉnh phối hợp cùng Ðoàn thanh niên xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) cũng mới hoàn thành và bàn giao cho 2 trường Tiểu học và THCS Núa Ngam. Không có điều kiện quyên góp các nguyên vật liệu để làm nhà, Chi đoàn LÐLÐ tỉnh và xã Núa Ngam đã kêu gọi, phát động các đoàn viên thanh niên ủng hộ kinh phí và ngày công, với tổng chi phí cho mỗi ngôi nhà là 2.000.000 đồng. Ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, với mục đích là nơi chứa các loại rác có giá trị 200 đồng, như: Vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa…

Theo anh Vì Văn Sinh, Bí thư Ðoàn xã Núa Ngam, thì trên địa bàn xã có rất nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó, kinh phí đoàn lại hạn hẹp, rất khó để tổ chức các hoạt động hỗ trợ học tập cho các em. Chính vì vậy, mục đích hướng đến của mô hình “Ngôi nhà 200 đồng” không chỉ đơn giản là giáo dục ý thức phân loại, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, mà chính việc “góp gió thành bão”, nguồn thu từ việc bán những phế liệu giá trị thấp có thể sẽ giúp đỡ được nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Qua đó đồng thời cũng giáo dục các em về thực hành tiết kiệm và tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.

Với ý nghĩa đó, ngay những ngày đầu “Ngôi nhà xanh” được bàn giao và đặt trong khuôn viên Trường THCS Thanh Luông đã thu hút đông đảo học sinh hưởng ứng. Từ một, hai vỏ chai nước lọc, sau những giờ ra chơi “Ngôi nhà xanh” đã chứa đầy phế liệu. Em Lò Thị Nhi, học sinh Trường THCS Thanh Luông cho biết: “Trước đây, những vỏ chai nước ngọt sau khi sử dụng xong chúng em thường vứt ra ngoài môi trường hoặc các thùng rác. Nhưng sau khi có “Ngôi nhà xanh” và được các thầy cô thông tin về ý nghĩa của nó, em cũng như nhiều bạn trong lớp, trong trường đã hiểu. Em thấy đây là việc làm rất ý nghĩa, không chỉ là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thói quen xử lý rác thải, mà kinh phí thu được từ những vỏ chai vứt đi còn có thể giúp đỡ được nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, trong trường. Chúng em hứa sẽ sử dụng ngôi nhà thật hợp lý”.

Anh Lê Ngọc Hoàn, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Ðiện Biên cho biết: Ý tưởng về những ngôi nhà thu gom phế liệu được phát động trên cơ sở tham khảo từ nhiều địa phương khác. Cùng với đó, khi khảo sát thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu sử dụng các loại đồ ăn, thức uống được đóng trong các chai nhựa, lon, hộp giấy… của học sinh là rất lớn. Tuy nhiên, các em lại chưa biết cách hoặc chưa ý thức được việc phân loại, thu gom các loại rác thải này đúng nơi quy định. Trong khi đó, chúng ta đều biết tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã phát động các chi đoàn cơ sở bằng nguồn kinh phí của đơn vị mình, hoặc tận dụng các nguyên vật liệu ở địa phương để xây dựng các “Ngôi nhà xanh” tặng lại các nhà trường. Bước đầu, phong trào không chỉ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên cơ sở mà đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh. Mục tiêu hướng đến trong đợt này của chúng tôi là mỗi nhà trường đều có 1 ngôi nhà xanh. Sau đó sẽ nghiên cứu nhân rộng ra cộng đồng”.

Trước những nguy hại của việc xả rác thải nhựa ra môi trường, cùng với lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng, năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3816/KH-UBND về việc triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch đó là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì túi nilon.

Với những “Ngôi nhà xanh” nhỏ bé đang được gây dựng ở khắp các trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã và đang là một trong những giải pháp nhiều triển vọng hưởng ứng lời kêu gọi. Tin tưởng rằng, những hành động nhỏ, ý nghĩa lớn như thế, khi được lan tỏa sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn với việc tạo dựng nên một xã hội xanh - sạch - đẹp, văn minh.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top