Bản vùng cao chờ điện

08:53 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 9324 In bài viết

ĐBP - Mỗi chiều đi làm nương về là chị Vàng Thị Súa, bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) lại tranh thủ xay thóc, giã gạo. Chị bảo do không có điện nên công việc này đối với chị và người dân bản Nậm Cứm đã quen rồi.

Bản chưa có điện, anh Hờ A Po, bản Hua Pí, xã Xuân Lao chế tạo đèn dầu bằng lon nước tăng lực.

Tiếp chúng tôi nơi chái nhà nhưng chị Súa vẫn không ngừng việc. Chiếc chày giã gạo vẫn nâng lên hạ xuống đều đặn; trên lưng, con gái 8 tháng tuổi của chị vẫn ngủ say.

Khi chúng tôi hỏi sao không mang thóc đến máy xay xát cho đỡ vất vả, chị Súa cho biết: Bản chưa có điện, muốn xát thóc thì phải chở thóc xuống bản Ngối Cáy cách đây 5 cây số. Trước đây chị vẫn hay chở thóc xuống bản Ngối Cáy để xát gạo, nhưng từ khi xe máy hỏng thì không có phương tiện, mà đi bộ  thì xa quá, mỗi lần chỉ gùi được 20 cân nên đành tự giã thôi!

Ngoài sân, chồng chị Súa là anh Mùa A Chư đang lúi húi dùng que sắt nhọn khoan nắp chai thủy tinh 65ml để chế tạo đèn dầu; anh lấy miếng vải sợi do vợ tự dệt xoắn tròn lại làm bấc đèn. “Bây giờ mua đèn dầu hiếm lắm, chả có đâu cô ạ, nên tôi phải tự chế, vừa tiết kiệm lại chắc chắn” - anh Mùa A Chư chia sẻ.

Rồi anh Chư cho biết ở xã Ngối Cáy còn 2 bản chưa có điện, đó là bản Nậm Cứm và bản Nậm Chan 3. Chưa có điện nên không nhà nào sắm ti vi, mọi thông tin văn hóa, xã hội người dân chủ yếu là nghe đài. Buổi tối, các con ngồi học bài dưới ánh đèn dầu leo lắt, phập phù. Việc đi mua dầu cũng mất cả buổi, tích dầu trong nhà cũng lo ngay ngáy vì bố mẹ đi nương cả ngày, các con ở nhà chẳng may nghịch ngợm xảy ra hỏa hoạn thì khổ!

Tạm biệt vợ chồng chị Súa, hình ảnh người đàn bà Mông lúi húi địu con giã gạo chỗ giọt gianh khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nếu như có điện lưới thì cuộc sống của người dân nơi đây sẽ đỡ lam lũ vất vả hơn, gánh nặng cuộc sống cũng sẽ vơi đi trên đôi vai gầy của những người phụ nữ Mông như chị Súa khi một phần sức lao động đã được giải phóng; việc học hành của con cái họ và việc tiếp cận thông tin xã hội cũng có nhiều thuận lợi. Theo lời của trưởng bản Mùa A Lầu, thì bản Nậm Cứm có 63 hộ, trong đó quá nửa là hộ nghèo. Mặc dù vụ mùa vừa rồi, người dân bản Nậm Cứm đã vỡ hoang được trên 2ha ruộng nước, nhưng mong ước nhất hiện nay của bà con là có điện sinh hoạt.

Trong quá trình tìm hiểu để viết bài, khi đến bản Hua Pí, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) chúng tôi gặp anh Hờ A Tạ đang vượt dốc về nhà. Anh Tạ cho biết anh mang đèn pin sang bản Thản Lóng, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) để sạc nhờ. Bản Hua Pí chưa có điện nên để sạc đèn pin hay điện thoại, người dân bản Hua Pí phải mang sang xã bạn sạc nhờ.

Mời chúng tôi đến thăm nhà, anh Tạ tâm sự: Trong bản có cháu vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, cháu muốn mở cửa hàng sửa chữa xe máy tại bản theo đúng chuyên môn đã học vừa để phục vụ người dân, kiếm thêm thu nhập. Nhưng bản chưa có điện nên ý định mở cửa hàng sửa xe máy không thể thực hiện; cậu thanh niên cũng định xuống trung tâm xã thuê cửa hàng mở dịch vụ sửa chữa xe máy, nhưng gia đình chưa có vốn, mà như thế thì cũng không phục vụ được bà con trong bản. Bây giờ người dân bản Hua Pí bị hỏng xe máy thì phải dắt bộ gần 10 cây số tới trung tâm xã mới có chỗ sửa chữa.

Ðể có điện chiếu sáng khi bản chưa được đầu tư đường điện, dân bản Hua Pí đã mua máy phát điện mi ni chạy bằng sức nước. “Do kinh phí đầu tư cũng tốn kém, chỉ tính riêng tiền mua 2 nghìn mét dây điện đã là cả một vấn đề, chưa nói tiền mua máy phát điện. Vì thế mà cả bản chỉ 7 hộ có điều kiện đầu tư mua máy phát điện mi ni thôi, 7 máy phát điện mi ni đặt ở con suối Chùa Sấu, bản Chùa Sấu (cách bản Hua Pí 2km). Thế nhưng máy phát điện mi ni cũng chỉ dùng được trong bốn tháng mùa mưa, khi nước suối chảy mạnh, những tháng còn lại thì nhà ai nấy thu máy về đợi mùa mưa năm sau” - anh Hờ A Tạ chia sẻ thêm.

Ðưa vấn đề chưa có điện lưới ở các bản Nậm Cứm, Hua Pí trao đổi với ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng, ông Cường cho biết: Hiện toàn huyện có 103/118 bản đã có điện lưới quốc gia đảm bảo an toàn, chất lượng điện năng tốt. Hiện nay huyện đang triển khai thi công đưa điện về 8 bản, trong đó 3 bản còn lại của xã Nặm Lịch và 5 bản của xã Ẳng Tở, dự kiến hoàn thành đóng điện trong năm 2020. Những bản còn lại huyện sẽ tiếp tục phối hợp với ngành điện để người dân sớm có điện.

Ðó quả là một tin vui đối với người dân của hai xã Nặm Lịch và Ẳng Tở khi mà ngày điện thắp sáng khắp bản đã không còn xa. Nhưng với 7 bản còn lại, trong đó có bản Nậm Cứm (xã Ngối Cáy) và bản Hua Pí (xã Xuân Lao) thì mong ước có điện sẽ chưa trở thành hiện thực, ít nhất trong năm 2020 này.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top