Ðàn linh trưởng ở Tìa Dình

09:06 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 9065 In bài viết

ĐBP - Xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) được thiên nhiên, thổ nhưỡng ưu đãi, ban tặng những sản vật đặc thù như giống bí nếp ngon nức tiếng, hay loại mận mà “chỉ trồng ở Tìa Dình mới ngọt”. Ðặc biệt, tại cánh rừng ngay trung tâm xã Tìa Dình đang tồn tại một bầy linh trưởng (vượn), điều mà đối với nhiều người là rất bí ẩn...

Rừng bao bọc quanh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tìa Dình.

Bản bao bọc rừng

Nói về cánh rừng ở đầu xã Tìa Dình (thuộc địa phận bản Tìa Dình 1, 2) - đây cũng là một câu chuyện khá hy hữu. Bởi ngay khi tham khảo ảnh chụp vệ tinh, quan sát tổng quan cả một vùng rộng lớn, cơ bản chúng ta chỉ thấy những khoảng loang lổ màu nâu vàng (đất không có rừng) thì cánh rừng bản Tìa Dình 1, 2 nổi bật lên với một chấm xanh sẫm (đất có rừng), càng phóng to lên, màu xanh càng đậm, cánh rừng bản Tìa Dình 1, 2 dễ khiến người ta liên tưởng đến một ốc đảo đúng nghĩa.

Khi được hỏi về “lá phổi xanh” của xã, ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Cánh rừng thuộc bản Tìa Dình 1, 2 có diện tích 200ha, liên kết một phần với bản Tìa Ghếnh - bản sở hữu gần 100ha rừng nữa. Khác với địa bàn biên giới hoặc một số địa phương khác, rừng ở Tìa Dình không ở khu vực giáp ranh mà nằm trọn vẹn trong địa giới hành chính của xã, cụ thể là tại các bản: Tìa Dình 1, 2 và Tìa Ghếnh. Người dân sống xung quanh rừng, bản - rừng bao bọc lấy nhau. Nhiều năm nay, cánh rừng được người dân bảo vệ và hưởng lợi từ rừng, sự đa dạng sinh học phát triển khá phong phú với nhiều tầng thực vật và cả động vật sinh sống dưới tán rừng.

Khi ông Dia nhắc đến sự đa dạng sinh học, như sực nhớ ra, tôi hỏi ngay: Có lần em nghe anh nói trong rừng Tìa Dình có cộng đồng vượn đang sinh sống, điều này có chính xác? Anh có thể giới thiệu giúp em một người thông thạo địa bàn để vào rừng “mục sở thị” không? Suy nghĩ một lúc, ông Tráng A Dia bảo: Thôi được, anh sẽ giới thiệu cho em một “thổ dân xịn” của rừng Tìa Dình. Việc em có gặp được bầy vượn hay không, anh không chắc chắn, nhưng nhà báo hết sức cân nhắc khi tìm hiểu, phản ánh, đưa thông tin về bầy linh trưởng này. Chứ đến lúc dư luận, ngành chức năng cho rằng chủ tịch xã đi “quảng cáo” về động vật hoang dã cho lâm tặc, thợ săn trái phép kéo đến thì... “chết” anh!

Ảnh chụp vệ tinh cánh rừng (vùng sẫm màu) bản Tìa Dình 1, 2, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông).

Nỗi lo bảo tồn...

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Tìa Dình Tráng A Dia, chúng tôi liên hệ, tìm gặp anh Tráng A Chống, người sinh ra, lớn lên và đang sinh sống ở bản Tìa Dình 1. Chia sẻ về vấn đề rừng thuộc bản và các loài động vật sinh sống trong rừng, anh Chống cho biết: Ngày xưa, khi đất đai còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, rừng ở Ðiện Biên Ðông rất nhiều. Vì vậy, các loài động vật sống trong rừng cũng rất phong phú; không chỉ khỉ, vượn mà nhiều loài như: Hươu, nai, thậm chí cả gấu, báo... sinh sống. Sau này, những vấn đề về dân cư, sinh kế... dẫn đến phá rừng làm nương, khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp, Tìa Dình không nằm ngoài vòng xoáy đó. Ðịa phương cũng từng là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, khiến cơ quan chức năng nhiều lần phải can thiệp, xử lý, nhất là giai đoạn 2009 - 2013. Trước sự xâm canh, khai thác, săn bắn quá mức, nhiều loài động vật hoang dã trong rừng ở Tìa Dình giảm mạnh theo từng năm, rồi biến mất hẳn, chỉ duy nhất bầy vượn là vẫn tồn tại.

Nói về đàn vượn trong rừng Tìa Dình, anh Chống bảo: Từ nhỏ tôi đã biết về đàn vượn này. Ban đầu chúng sinh sống khá dạn dĩ với con người, sáng dậy ra sân là đã có thể nghe thấy tiếng chúng hót gọi bầy. Sau này, do số lượng cá thể hao hụt và bản năng sinh tồn nên đàn vượn kéo nhau vào sâu trong vùng lõi của rừng. Hiện số lượng như tôi nắm được, trong rừng bản Tìa Dình 1, 2 còn một đàn khoảng dưới 10 con và một đàn khoảng 4 con đang sống trong khu vực rừng bản Tìa Ghếnh. Cá biệt có 1 con vượn đực đang chọn cách sống “độc thân”, không theo đàn nào.

Bày tỏ mong muốn được mắt thấy, tai nghe đàn vượn, tôi đề nghị anh Chống dẫn vào rừng. Gật đầu đồng ý nhưng để xác định tinh thần cho chúng tôi, anh Chống nói ngay: “Trước hết, việc vào sâu trong rừng sẽ rất khó khăn do thảm thực vật dày, dây leo chằng chịt và hầu như không có đường mòn. Thứ hai, do đàn vượn rất khôn lanh, thoắt ẩn, thoắt hiện trên những tán cây cao, hễ có động là chúng biến mất nên để nhìn thấy không dễ. Ðến bản thân tôi, mặc dù nhiều phen ăn, ngủ trong rừng nhưng sau gần chục năm, số lần được chạm mặt thành viên đàn vượn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Ðúng như lời anh Tráng A Chống nói, rừng Tìa Dình là thử thách lớn đối với dân nghiệp dư như chúng tôi, lộ trình theo kế hoạch có lẽ chưa đạt một nửa, tôi đã thở không ra hơi. Ðể động viên tôi, anh Chống bảo: Cố gắng lên, gần tới nơi rồi. Nhưng không phải đến “nhà” đàn vượn đâu mà là một chỗ có thể... “cảm thấy” chúng!

Vị trí chúng tôi ngồi “cảm thấy” đàn vượn là một khoảnh rừng nhiều cỏ tươi dưới tán, không có lá khô (để đảm bảo sự im ắng gần như tuyệt đối). Theo sự hướng dẫn của anh Chống, tôi ngồi dựa vào thân cây gỗ lớn, nhắm mắt, thở thật nhẹ, lắng nghe... Rồi cũng không phụ mong đợi, tôi đã được nghe âm thanh đó - tiếng của những chú vượn gọi nhau, mặc dù có vẻ như ở một nơi rất sâu trong cánh rừng.

Trên đường về, dù thất vọng vì không được tận mắt thấy loài linh trưởng quý trong rừng Tìa Dình nhưng tôi thầm nhủ: Cũng hợp lý thôi, vì nếu dễ thấy quá, e rằng, đàn vượn đã không còn... Nói về sự tồn tại đàn vượn rừng Tìa Dình, anh Tráng A Chống bỗng trở nên trầm tư: Vài năm gần đây, tôi thấy hầu như bầy vượn không tăng đàn, có lẽ vấn đề đàn nhỏ, sinh sản cận huyết thống nên chúng phát triển, sinh trưởng kém đi. Cá thể già, mất tính cộng đồng, bỏ ra sống một mình như con vượn đực “độc thân” cũng là nguy cơ khiến khó duy trì đàn. Nghĩ mãi mà chưa biết có cách gì giúp chúng!

Ðàn vượn ở rừng Tìa Dình không phải là điều quá điển hình tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta, 200ha rừng ở bản Tìa Dình 1, 2 cũng là phần rất nhỏ so với 30.828ha rừng nằm trong quy hoạch của huyện Ðiện Biên Ðông. Nhưng điều đặc biệt đó là sức sống mạnh mẽ của tự nhiên nơi đây. Hy vọng rằng, những con người gắn bó lâu năm với rừng như anh Tráng A Chống sẽ ngày càng ý thức hơn được vấn đề bảo tồn, gìn giữ “lá phổi xanh” và những quần thể sinh sống trong đó; lan tỏa, nhân rộng mô hình bảo vệ cũng như tình yêu thiên nhiên trong cộng đồng. Bởi chính người dân mới là nòng cốt trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chứ không phải cơ quan chức năng nào cả.

Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top