Chất lượng môi trường có xu hướng giảm

09:05 - Thứ Sáu, 22/05/2020 Lượt xem: 8815 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm các yếu tố, hoạt động như: Sự gia tăng dân số, xây dựng cơ bản, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải…) đã ảnh hưởng đến môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Trong đó hoạt động giao thông vận tải được xem là một trong những nguồn gây áp lực lớn nhất đối với môi trường không khí, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu đông dân cư. Trong hoạt động vận tải, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 96% tổng phương tiện giao thông), lượng phát thải ra môi trường khá lớn gây ô nhiễm, đặc biệt đối với khí CO (cacbon monoxit), VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Nếu không kiểm soát tốt khí thải từ các phương tiện giao thông thì tải lượng các chất ô nhiễm tăng lên từng năm. Trong giai đoạn từ 2016 - 2018, tổng lượng khí thải phát sinh vào môi trường từ các phương tiện giao thông tăng lên 1,2 lần; trong đó tải lượng bụi tăng 1,23 lần; CO tăng 1,17 lần; Nox (oxit nitơ) tăng 1,35 lần.

Chăn nuôi không có chuồng trại, chất thải chưa được xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Trong ảnh: Người dân xã Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông nuôi nhốt trâu ngay cạnh nhà ở.

Qua đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên 26 điểm quan trắc tập trung tại khu vực đông dân cư, buôn bán, mật độ giao thông cao thì một số chỉ tiêu phân tích có xu hướng tăng nhưng đều đạt quy chuẩn cho phép. Ví dụ tại khu vực chợ, cây xăng C4 năm 2016 có nồng độ bụi là 0,236mg/m3 đến năm 2019 tăng lên 0,263mg/m3; chợ Bản Phủ và trung tâm huyện Tủa Chùa nồng độ bụi xấp xỉ đạt ngưỡng giới hạn cho phép; tại Nhà máy Xi măng Ðiện Biên, nồng độ NO năm 2019 tăng cao bất thường 645,6mg/Nm3 (quy chuẩn cho phép là 850mg/Nm3)...

Không chỉ ô nhiễm không khí, tình trạng ô nhiễm môi trường mặt nước trên địa bàn tỉnh cũng có xu hướng tăng. Qua kết quả phân tích 17 mẫu mặt nước trên địa bàn tỉnh, cơ bản các chỉ số đạt tốt, tuy nhiên một số vượt so với tiêu chuẩn, như: Chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hóa học), BOD5 (nhu cầu ôxy sinh học)… Ðơn cử có 9/17 mẫu phân tích có chỉ tiêu COD vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT tại sông Nậm Rốm (đoạn đầu và cuối thành phố Ðiện Biên Phủ), suối Nậm Khẩu Hú, hồ Huổi Phạ, hồ Pa Khoang… có nồng độ vượt từ 1,08 - 4,3 lần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường có xu hướng giảm, như: Các chính sách, thể chế và luật pháp liên quan đến bảo vệ môi trường chưa đồng bộ; nhiều văn bản chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý và thực thi tại địa phương; nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế; kinh phí thiếu; hạ tầng, thiết bị, máy móc bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện…

Theo ông Ngôn Ngọc Khuê, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để nâng cao chất lượng môi trường cần sớm hình thành hệ thống công cụ kinh tế để quản lý chất lượng không khí theo cơ chế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Ðồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát phát tán bụi và xử lý các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao; rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện nghiêm túc mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

Mặc dù được đánh giá chất lượng môi trường không khí đảm bảo, nhưng vấn đề đáng quan tâm trong thời gian tới trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông là tình trạng suy giảm rừng, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi thả rông và việc xả thải vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định có thể làm ảnh hưởng môi trường không khí.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông trừ hoạt động sản xuất nông nghiệp thì các hoạt động còn lại rất hạn chế. Lĩnh vực giao thông, xây dựng, công nghiệp quy mô nhỏ được quản lý chặt chẽ nên ô nhiễm môi trường không khí cũng hạn chế. Kết quả quan trắc về môi trường không khí trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông năm 2019 cho thấy chất lượng môi trường ổn định, tất cả các chỉ số, thông số CO, CO2, CH4… đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Năm 2019, qua kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện biến động giảm hơn 124ha. Nguyên nhân do cháy, phá, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tình trạng giao đất giao rừng đã khoanh vẽ sai vào khu vực đất trống, nhà ở, ao, chuồng của người dân. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của Ðiện Biên Ðông đang ở mức thấp nhất tỉnh, chỉ đạt hơn 26%. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn trung bình một ngày thải hàng chục tấn rác ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khu vực thị trấn được thu gom rác và xử lý theo hình thức chôn lấp tập trung khoảng 5,4 tấn/ngày; lượng rác còn lại chủ yếu thải ra môi trường. Theo tính toán, trung bình hàng năm ở khu vực nông thôn của huyện còn hàng trăm tấn chất thải rắn sinh hoạt và chất thải chăn nuôi... chưa được xử lý.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top