Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số

09:24 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 9565 In bài viết

ĐBP - Tổng kết 10 năm (2010 - 2019) triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 81.562 người (bình quân 8.150 người/năm). Trong đó, số lao động là người dân tộc thiểu số được học nghề là 57.172 người, chiếm 70,09%; số lao động người dân tộc thiểu số có việc làm sau đào tạo là 42.105 người, đạt tỷ lệ 73,64%. Một số nghề như: Trồng và chế biến cà phê; kỹ thuật chăn nuôi lợn; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn; vận hành máy thi công nền... tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 90%. Tính cả giai đoạn, toàn tỉnh có 6.610 lao động người dân tộc thiểu số được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng; 2.260 lao động được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm; 426 người thành lập hoặc tham gia các tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp; 32.548 người tiếp tục làm nghề cũ song năng suất, thu nhập tăng cao hơn hẳn so với trước khi được đào tạo.

Lao động sau đào tạo nghề phần lớn được tuyển dụng vào các doanh nghiệp thi công các công trình, dự án tại địa phương. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoàng Ánh Ðiện Biên thi công làm đường tại xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa).

Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên 95% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 40 - 50% thu nhập bình quân tại địa phương. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân thoát nghèo. Những năm qua, các địa phương đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình chung mục tiêu để mua sắm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và tổ chức dạy nghề tại các thôn, bản hoặc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hàng năm, căn cứ thực tế địa phương, nhu cầu học nghề của lao động, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động. Trong đó ưu tiên ký hợp đồng đào tạo nghề với cơ sở đào tạo có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm hoặc doanh nghiệp trực tiếp đào tạo để tuyển dụng lao động vào làm việc. Ðồng thời khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động; hướng dẫn doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề ở địa phương; phát triển những ngành nghề mới, nhất là nghề phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, các vùng chuyên canh nông nghiệp…

Những năm qua, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý công tác đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong việc giám sát, phản biện đối với công tác đào tạo nghề tại địa phương. Do đặc thù nền kinh tế nông nghiệp nên 90% lớp đào tạo nghề là nghề nông nghiệp và 10% là nghề phi nông nghiệp. Ðối với nghề phi nông nghiệp, phần lớn các học viên sau đào tạo đã được các doanh nghiệp tuyển dụng làm việc trong và ngoài tỉnh. Ðối với nghề nông nghiệp, chỉ một phần nhỏ lao động tham gia vào các hợp tác xã, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô, còn phần lớn tiếp tục sản xuất, chăn nuôi theo hướng truyền thống. Tuy vậy, lao động sau đào tạo đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phòng trị dịch bệnh nên hạn chế thiệt hại trong sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế.

Giai đoạn 2010 - 2019, huyện Tủa Chùa đã tổ chức 139 lớp đào tạo nghề cho 4.627 lao động, trong đó 94% lớp đào tạo nghề nông - lâm nghiệp. 100% đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 74%, chủ yếu làm việc tại địa phương.

Ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, trước hết Trung tâm tập trung thực hiện tốt công tác khảo sát, thăm dò nhu cầu đào tạo của lao động kết hợp với đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của địa phương có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề. Sau đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, vận động lao động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề. Trung tâm chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề và thường xuyên đưa vào chương trình giáo dục những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để học viên tiếp cận và áp dụng vào thực tế. Ðồng thời, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Song song với công tác đào tạo, Trung tâm đã liên kết với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để ký hợp đồng với các học viên sau khi kết thúc các khóa đào tạo.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top