Ðể người lao động vơi bớt nhọc nhằn

09:02 - Thứ Năm, 28/05/2020 Lượt xem: 7197 In bài viết

ĐBP - Dịch Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát, đẩy lùi song hậu quả đã khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh “lao đao”, tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm, ngưng việc tạm thời... Trước thực trạng đó, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, thiết thực nhằm sẻ chia với người lao động, giúp họ vơi bớt khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.

Sau thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngày 15/5/2020 công nhân Công ty CPCS Ðiện Biên đã đi làm trở lại. Trong ảnh: Công nhân đội 1 -  Cao su Hua Thanh (thuộc Công ty CPCS Ðiện Biên) cạo mủ cao su.

Thất nghiệp vì Covid-19

Tìm hiểu cuộc sống của người lao động trong những ngày tạm ngưng việc làm vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chúng tôi tìm về bản Pá Sáng, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) gặp anh Vừ A Sử, đội 1 Cao su Hua Thanh, Nông trường Cao su Ðiện Biên (Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Ðiện Biên). Anh Vừ A Sử nói: “Cả 2 vợ chồng tôi hiện là công nhân Công ty CPCS Ðiện Biên, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ tháng 4/2020, Công ty tạm thời cho chúng tôi ngưng việc... Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, con bị liệt tứ chi nên cuộc sống bấp bênh, phải chật vật lo ăn từng bữa”. Khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình tôi chỉ trông vào 2.000m2 ruộng để cày cấy, nhưng do thiếu nước sản xuất nên năng suất không cao. Không riêng gia đình anh Vừ A Sử mà do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đội 1 Cao su Hua Thanh có 21 công nhân bị ảnh hưởng, đa phần công nhân thuộc hộ nghèo.

Cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là anh Lường Văn Tướng, bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), công nhân Công ty TNHH Mạnh Huyền  -  Ðiện Biên phải tạm ngưng làm việc do Công ty thiếu đơn hàng. Anh Tướng chia sẻ: Tuy đồng lương không cao, nhưng cũng đảm bảo duy trì cuộc sống ổn định. Dịch bệnh bùng phát, Công ty phải cho công nhân tạm ngưng việc khiến tôi không có thu nhập để lo cho gia đình. Ðể chăm lo cuộc sống mưu sinh trong những ngày nghỉ việc, tôi chủ yếu cày cấy trên đồng ruộng. Mong sao dịch bệnh mau qua để tôi có thể tiếp tục đi làm, có thu nhập.

Những câu chuyện bỗng dưng “thất nghiệp”, mất việc làm không phải là hiếm gặp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đỉnh điểm là từ tháng 3 - 5/2020... khiến không ít công ty, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh thiếu hụt về kinh tế. Theo số liệu dự ước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 35.000 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Không riêng gì người lao động, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (toàn tỉnh có khoảng 1.870 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu; 60 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc). Ðơn cử Công ty CPCS Ðiện Biên phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 359 công nhân. Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CPCS Ðiện Biên cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của Công ty ngưng trệ, hoạt động cầm chừng từ 4 - 5 tháng; vườn cao su bị sâu bệnh do không có công nhân chăm sóc; sản phẩm không được tiêu thụ, nhất là giá thành xuống thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ

Có thể khẳng định, trước khi đi đến việc chấm dứt hợp đồng lao động, đa số các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xoay xở, tìm đủ cách để gắng gượng duy trì sản xuất, giữ chân người lao động như: Bố trí cho người lao động nghỉ phép hưởng nguyên lương trong thời gian có dịch; nghỉ luân phiên hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh… Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều đi vào “ngõ cụt”, do hệ lụy của dịch bệnh, các công ty, doanh nghiệp không có đơn hàng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.  

Ðể “không ai bị bỏ lại phía sau”, trên cơ sở Nghị quyết 42/NQ - CP và Quyết định số 15/2020/QÐ - TTg của Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 1251/KH - UBND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ tầm quan trọng của gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh đề nghị UBND 10 huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách cụ thể các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ dự kiến hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình điều tra, rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, đối tượng người lao động được hưởng hỗ trợ cũng nảy sinh không ít khó khăn, nhất là việc xác định người thuộc diện được hỗ trợ ở nhóm lao động bị mất việc làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, Quyết định 15.

Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Sau khi tiếp nhận các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương tiến hành rà soát lao động theo quy định, thẩm quyền. Tuy nhiên, do các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện rà soát (UBND cấp xã) chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều lúng túng, nhất là việc xác định đối tượng lao động thụ hưởng theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Việc phối hợp giữa UBND các xã và cơ quan chuyên môn như Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa đồng nhất; đặc biệt đối với nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu không cao nên họ không đăng ký thuế, không có thông báo thuế nên việc đề nghị được hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, tác động của chính sách hỗ trợ liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, yêu cầu về thời gian thực hiện ngắn...

Có thể khẳng định, Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ được người dân rất trông chờ, vì đây chính sách nhân văn, chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi vậy, việc tổ chức hỗ trợ, rà soát đối tượng thụ hưởng được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách, đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số tiền dự ước hỗ trợ là gần 126 tỷ đồng (Doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngưng việc gần 14 tỷ đồng; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp... gần 96 tỷ đồng). Hi vọng  rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở sẽ tạo tiền đề vững chắc để người lao động và nhân dân sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, cùng cả nước vượt qua thách thức hiện nay.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top