Nhân gian, còn những phận người!

09:22 - Thứ Năm, 28/05/2020 Lượt xem: 8697 In bài viết

ĐBP - 19 giờ hơn, đèn đã sáng từ lâu, chợ Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ chỉ lác đác vài quầy bán đồ ăn sẵn còn mở, nhưng ngoài cổng người ta vẫn thấy những người bán dứa lặng lẽ ngồi dõi theo dòng người vội vã trở về... Với họ - những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo đang từng ngày chống chọi, kéo dài cuộc sống nhờ chạy thận nhân tạo, mong ước lúc này là bán sao cho hết những quả dứa đã bổ để không phải bỏ đi, vì như vậy là bỏ đi lương thực của cả ngày mai...

Anh chị Hạng A Cá, Giàng Thị Chừ trong căn phòng trọ.

Mùa Thị Lìa nhà ở bản Huổi Hoa, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên năm nay 25 tuổi. Lìa đã chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh được 8 năm, bắt đầu từ một lần bị ngất, được mẹ đưa về đây điều trị. Sau khi em tỉnh lại, điều đầu tiên bác sĩ nói với mẹ của Lìa là: “Từ nay nó không về nhà được đâu, phải ở đây mãi đấy...”.

Bố nghiện ma túy, rồi bỏ đi từ khi Lìa còn bé, để một mình mẹ “gánh” cả gia đình. Em gái thứ 2, thậm chí mẹ Lìa (chị Giàng Thị Dia) còn không nhớ sinh năm nào, vì từ nhỏ chưa bao giờ được đi học. Từ năm 2013 - 2017 chạy thận nhân tạo vẫn phải mất tiền; tháng ít là 300.000 đồng, tháng nhiều có khi đến 700.000 - 800.000 đồng. Lo được chừng ấy tiền cho con đã là vô cùng cố gắng với chị Dia rồi. Cảnh nhà là vậy, nên suốt 8 năm qua Mùa Thị Lìa phải một thân một mình ở lại bệnh viện tự lo. Những năm đầu, vì không có tiền thuê trọ, ban ngày Lìa ngồi ở hành lang, tối ngủ gầm cầu thang bệnh viện. Ai cũng thương, từ y bác sĩ, bệnh nhân trong viện đến người nhà của họ, nên có gì họ cũng mang cho Lìa...

Từ năm 2018 chạy thận nhân tạo không còn mất tiền gì nữa, Lìa cũng biết về cuộc sống ở thành phố hơn nên em thuê một phòng trọ gần bệnh viện với giá 200.000 đồng/tháng. Sau giờ chạy thận, Lìa ra gần chợ Noong Bua mua hoa quả để bán. Mùa này em chủ yếu bán dứa. Tuổi thì nhiều lên, nhưng cân nặng thì ngày một ít đi. Trên cánh tay của em, những cục u tật do cắm kim, căm tay chạy thận nhiều giờ nổi to như quả trứng gà. Lìa cũng không thể nào mang vác nặng hay đi bộ được nhiều nữa.

Chúng tôi đến phòng trọ của Lìa vào một buổi tối sau khi cùng em và mẹ dọn hàng trở về. Căn phòng chưa đầy 10m2 đã chật, đã tối, lại càng u ám hơn bởi ánh sáng đục ngàu từ bóng điện bám đầy muội than. Tất cả đồ đạc đều nằm trên cái giường, cái bàn nhỏ; xô chậu, nồi niêu, rồi đồ nghề để bán hàng chen chúc với nhau trong khoảng nền nhỏ hẹp khiến việc vào được trong nhà cũng trở lên khó khăn. Chị Giàng Thị Dia chẳng nói chẳng rằng, chỉ lặng lẽ ra thu dọn phía ngoài. Mùa Thị Lìa chia sẻ: Mẹ em bị ốm nên xuống chữa bệnh rồi ở cùng mấy hôm chứ bình thường chỉ có mình em thôi. Nhiều lần tưởng chết vì chạy thận xong bị phù, huyết áp tăng. Có lần sau khi gọi được bà cô ở Tà Lèng xuống đưa đi viện rồi em chẳng biết gì nữa cả. Hôm sau nhiều người trong khoa gặp hỏi, mày vẫn còn sống à, hôm qua bác sĩ bảo mày không thở nữa rồi mà... Bác sĩ cũng bảo, lần sau thấy mệt thì phải xin ở viện, đừng về; nhưng ở viện thì lấy tiền đâu ra...

Ngồi bán dứa kế bên Lìa là vợ chồng anh chị Hạng A Cá, Giàng Thị Chừ ở bản Huổi Thanh 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Anh Cá phải chạy thận nhân tạo từ 2 năm nay, cũng là từng ấy thời gian anh chị đùm giúp nhau ra thành phố thuê nhà trọ để ở. Mọi việc nhà, từ ruộng nương, đến chăm nuôi 2 đứa con trai đều được giao cho vợ chồng người con trai cả. Mỗi tuần 3 lần chạy thận, thời gian còn lại anh chị mua hoa quả để bán lẻ kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. Căn phòng trọ anh chị thuê 100.000 đồng/tháng, cách xa bệnh viện cho rẻ. Phòng kế bên là của một bệnh nhân chạy thận cùng ca 4 với anh. Họ thuê để hôm nào chạy xong mệt quá hoặc trời mưa thì về ngủ, còn không thì về nhà ở Ðiện Biên Ðông nên vợ chồng anh Cá có thể để tạm chút hoa quả và xe khi cần.

Chị Giàng Thị Chừ sau 2 năm theo chồng đi chữa bệnh giờ đã biết tiếng phổ thông nhiều hơn, nhưng chẳng mấy khi thấy chị nói cười. Khi chúng tôi hỏi, bán thế này có đủ tiền chợ hàng ngày không? Chị Chừ lắc đầu, chỉ vào 4 - 5 túi dứa bổ sẵn còn trên giỏ nhựa bảo: Cũng tùy ngày thôi. Như hôm nay còn nhiều thế này thì không đủ vốn đâu. Dứa để lâu sẽ hỏng, nhất là đã bổ ra rồi, dù trời không nóng cũng sẽ bị cay, phải bỏ đi thôi. Ế chừng này là mất tiền ăn 2 ngày rồi...

Dưới ánh đèn đường vàng quạch, lốm đốm bóng cây dọi mờ xuống đống dứa, nhiều phận người vẫn ngồi hàng dọc ven chợ Noong Bua như mong ngóng điều gì đó. Chắc ai cũng nghĩ, dứa còn nhiều, ngồi thêm lúc nữa, biết đâu ai đó về muộn dừng lại mua. Anh Hạng A Cá dúi vào tay vợ tờ 20 nghìn đồng rồi hướng mắt về phía chợ, ý bảo chị đi mua thức ăn về ăn tối. Chị Chừ lặng lẽ đứng lên và khi quay về treo vào tay xe một túi li lông nhỏ. Chúng tôi đoán đó là thức ăn tối nay của anh chị.

Anh chị có hay về thăm nhà không? Chúng tôi buột miệng hỏi. Anh Cá trả lời rằng: Từ ngày phải chạy thận có mấy khi về được đâu. Nhiều khi lễ, tết muốn lắm nhưng vé xe đi lại mất mấy trăm nghìn. Mà về nhà một đêm rồi lại ra ngay để chạy thận thì lãng phí quá nên đành ở lại. Ðợt nghỉ dịch Covid-19 vừa qua, con trai út đang học lớp 4 được anh trai gửi xe ô tô cho ra cho thăm bố mẹ mấy hôm. Lúc nó về, vợ lại khóc mấy đêm vì nhớ. Mong ước bây giờ là được sống bình thường như bao người; có thể về nhà mình, có con cháu ở bên, dù vất vả đến đâu cũng tốt hơn hiện tại...           

Phải chạy thận nhân tạo nhiều năm nay, cùng lứa tuổi như Mùa Thị Lìa nhưng Vàng Thị Mỷ, nhà ở xã Háng Lìa, Ðiện Biên Ðông bệnh nặng hơn nhiều. Mấy tháng nay miệng của Mỷ sưng to nên chỉ có thể ăn cháo. Mỷ cũng không thể đi bán hàng ở chợ cùng với Lìa được nữa. Bố mất từ lâu, còn mẹ từ trước tới nay vẫn ở trọ cùng để chăm sóc cho em nhưng đột nhiên bà mất cách đây mấy tháng sau một lần tranh cãi với người quen, cả gia đình cũng không biết tại sao lại thế... Thấy Mỷ tội quá nên những sinh viên chung xóm trọ tiện đường mua cháo giúp cho; có khi nấu canh rau thì mang luôn cho Mỷ một bát...

Bệnh nhân chạy thận đông, có khi đến 5 ca/ngày, mỗi ca đầy đủ là 12 người. Bệnh nhẹ chạy nhanh, bệnh nặng thì chạy lâu hơn, nhưng thường là 3 - 4 tiếng/lần. Bệnh viện bố trí ca chạy cố định nên bệnh nhân đều quen biết, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể thuê trọ gần nhau, bán hàng gần nhau, bầu bạn chia sẻ với nhau khi có thể. Em Mùa Thị Lìa trong những lần trò chuyện với chúng tôi đã kể khá nhiều về những người bạn là bệnh nhân chạy thận với mình. Có người đang điều trị, cũng có nhiều người đã mất năm ngoái, năm kia... vì theo Lìa hiện tại ở khoa, em là người điều trị lâu nhất. Nghe cái cách kể chậm, buồn và lạnh lùng của Lìa khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, cảm giác như em đang nói về một ngày không xa của mình vậy. “Bệnh này không thể nào chữa khỏi, nên cứ sống và chạy thận ở bệnh viện cho đến khi nào chết mới được về nhà...”.

 Trong cuộc chiến giành giật sự sống của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, nhân gian có lẽ không còn khó khăn, khốn khổ nào hơn thế. Song thật may là, vẫn còn sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng ở bên cùng họ vượt qua. Người cho đồ dùng cũ, người bán cho đồ mới giá rẻ, chia sẻ đồ ăn, thuốc men, quần áo...  Không chỉ vậy, khách hàng của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng nhiều khi là bệnh nhân trong viện biết hoàn cảnh mà ra mua, y bác sĩ trong bệnh viện ủng hộ và cả những người bán hàng quanh khu chợ Noong Bua thành khách hàng thường xuyên...

Xin hãy đừng ngừng lại, những yêu thương che chở mỗi phận người!

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top