Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS

08:41 - Thứ Tư, 01/07/2020 Lượt xem: 7838 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi, những năm qua để cải thiện, nâng cao mức sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, tỉnh ta đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh... Từ nguồn vốn các chương trình, dự án đã tạo nên những “cú hích” làm thay đổi nhiều bản vùng cao, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ, mang lại cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn cho nhân dân.

Nhờ được đầu tư đồng bộ, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn mới huyện Mường Nhé đã có sự đổi thay. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Mường Nhé. Ảnh: Sầm Phúc

Xác định phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng để giúp người dân, nhất là đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới ổn canh, ổn cư, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì thế, những năm qua tỉnh đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án (30a, Chương trình 134/CP, 135/CP; Ðề án 79)... cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế; cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, canh tác. Hình thành, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế của đồng bào các DTTS; các vùng sản xuất tập trung; khuyến khích các hộ DTTS đầu tư, phát triển các ngành, nghề, dịch vụ, kinh doanh thương mại tăng thu nhập…

Tại huyện biên giới Mường Nhé thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, huyện đã tập trung triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về Giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 30a, 135/CP, Ðề án 79... Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ðể nâng cao đời sống đồng bào DTTS, huyện Mường Nhé đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư. Ðến hết tháng 6/2020 ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của huyện đạt 127.800 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 28.907 triệu đồng; vốn Chương trình 30a giải ngân 36.065 triệu đồng; vốn thực hiện Ðề án 79 giải ngân 11.787 triệu đồng... Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, huyện chú trọng đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Ðặc biệt chú trọng đến “điện, đường, trường, trạm”, nước sinh hoạt, thủy lợi... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và lao động, sản xuất của nhân dân (100% các xã có trụ sở kiên cố khang trang; 100% đường đến trung tâm các xã là giao thông nông thôn loại A, B...), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ  3 - 4%/năm.

Ðiện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Bởi vậy, nhiều năm qua tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo 10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Ðảng và Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển, ổn canh, ổn cư; xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn. Ðặc biệt, nhờ triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án: Chương trình 135/CP, 30a, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững... đã tạo tiền đề vững chắc, mở ra nhiều cơ hội để tỉnh ta thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương nói chung, phát triển vùng DTTS nói riêng. Giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã phân bổ và sử dụng trên 2.345 tỷ đồng (vốn đầu tư và phát triển hơn 1.800 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 540 tỷ đồng). Từ nguồn vốn được bố trí, các huyện nghèo đã thực hiện đầu tư xây dựng 138 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế góp phần củng cố, phát triển hạ tầng tại các thôn, bản, xã vùng đồng bào DTTS. Riêng nguồn vốn từ Chương trình 30a, giai đoạn 2016 - 2020 đã phân bổ cho các huyện thụ hưởng (nhóm 1) gần 1.000 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư 106 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện 30a là 47,11% (theo tiêu chí nghèo đa chiều), bình quân giảm 5,25%/năm.

Ðặc biệt, từ nguồn vốn thực hiện các chính sách được lồng ghép quy hoạch phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, đồng bào DTTS đã được tiếp cận, hướng dẫn và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa các loại giống mới, năng suất cao vào sản xuất đại trà. Cơ giới hóa nông nghiệp từng bước được ứng dụng vào thực tiễn các vùng sản xuất; hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề đã góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chính sách phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tỉnh ta đã phân bổ 247.083 triệu đồng. Trong đó, thực hiện khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho 2.775 hộ với 633,65ha; hỗ trợ 1 lần tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao là gần 155 tỷ. Cùng với đó, tỉnh ta cũng thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ lao động ở các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài  (tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 133 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Từ đó, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,83%; GRDP đầu người ước đạt 35,92 triệu đồng/người/năm.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ các chương trình, chính sách, ưu tiên nguồn vốn phát triển vùng đồng bào DTTS đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã, thôn, bản vùng cao, biên giới; đặc biệt từng bước làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống cũng như thu nhập cho đồng bào các DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top