Xã hội hóa chi trả các hoạt động tại thôn, bản, tổ dân phố không khó

08:48 - Thứ Tư, 01/07/2020 Lượt xem: 7840 In bài viết

ĐBP - Xã hội hóa hỗ trợ chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở thôn, bản, tổ dân phố (TDP) là việc khó và nghe còn xa vời với địa bàn miền núi như tỉnh ta. Và thực tế khi liên hệ tìm hiểu các huyện, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “không có nguồn, không triển khai được”. Ấy vậy mà tại xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên, tất cả các bản vùng thấp đều đã thực hiện trích quỹ bản để hỗ trợ cho những người hoạt động KCT không được hưởng phụ cấp của Nhà nước.

Trưởng bản và Thanh tra bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn trao đổi, tìm hiểu cuộc sống người dân trong bản. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tìm hướng đi cho các chức danh

Nhắc lại Quyết định số 33/2019/QÐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2020, chỉ có 3 chức danh hoạt động KCT ở thôn, bản, TDP được hưởng phụ cấp hàng tháng, là: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận. Ðồng nghĩa với đó, các chức danh: Bí thư chi đoàn, chi hội trưởng hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội nông dân, công an viên, thôn đội trưởng... không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng. Sau khi Quyết định được triển khai, các thôn, bản, TDP tự sắp xếp, bố trí người phụ trách các công việc hội, đoàn thể. Phần lớn thôn, bản, TDP xử lý bằng cách để 3 chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm hết các chức danh khác. Mỗi người đảm nhiệm công việc của 3 - 4 hội, đoàn thể. Cũng có những người chấp nhận tiếp tục giữ chức danh mà không có phụ cấp. Nhưng dù bằng cách làm nào thì sự quán xuyến, sâu sát công việc hội, đoàn thể, cùng với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm khó có thể như trước.

Vì vậy, ngay khi có Quyết định số 33, bản Lĩnh, xã Mường Pồn đã chủ động bàn bạc, quyết định giữ nguyên các chức danh KCT và trích quỹ bản để chi trả. Chị Lù Thị Bình là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản từ năm 2015. Trước đây phụ cấp hàng tháng của chị là hơn 370.000 đồng/tháng, cùng với đó được bản hỗ trợ thêm 40kg thóc/năm. Nay không còn phụ cấp, chị vẫn chấp nhận tiếp tục đảm nhiệm công việc. Thấy chị Bình có năng lực, lại nhiệt tình với công tác hội và các công việc chung, bản Lĩnh nâng mức hỗ trợ chị lên 100kg thóc/năm. Chị Bình chia sẻ: “Tuy thu nhập không bằng trước đây nhưng chị em đã tin tưởng bầu chọn tôi, bà con trong bản thì ủng hộ, hỗ trợ bằng số thóc hàng năm nên tôi vẫn gắn bó với công tác hội, cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi chưa từng có ý định xin nghỉ vì không có phụ cấp, cũng không có tâm tư gì về mặt vật chất cả”. Nhờ vậy công tác hội phụ nữ của bản được duy trì và triển khai kịp thời, hiệu quả, luôn là nơi sẻ chia, là chỗ dựa tinh thần và góp phần hỗ trợ cuộc sống cho chị em. Không chỉ hội phụ nữ mà các đoàn thể khác của bản Lĩnh cũng vẫn hoạt động tích cực nhờ duy trì được “thủ lĩnh”. Các chức danh không chuyên trách đều được giữ nguyên và được hỗ trợ 1 mức chung: 1 tạ thóc/người/năm.

Anh Lường Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản cho biết: “Khi có Quyết định 33, Chi bộ và lãnh đạo bản, đại diện các ban, hội, đoàn thể bản cùng họp bàn, tìm giải pháp. Sau đó tổ chức họp bản, đưa ra lấy ý kiến, biểu quyết của người dân. Ngay khi đề xuất cách làm như trên, người dân đã đồng tình, nhất trí cao. Vì vậy, việc hỗ trợ những người hoạt động KCT được trích từ quỹ bản triển khai luôn từ năm 2020 này”. Hỏi thêm về kinh phí thực hiện, được biết bản Lĩnh có 24ha ruộng HTX được thu sản hàng năm để phục vụ công tác hỗ trợ sản xuất và gây quỹ bản. Mỗi năm thu sản được hơn 5 tấn thóc. Cùng với đó bản được nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngoài chia cho các hộ dân còn trích lại để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ, quản lý và chi các hoạt động của bản. Từ 2 nguồn thu chính này, hàng năm bản hỗ trợ động viên tinh thần làm việc cho những người hoạt động KCT.

San sẻ để cùng làm việc

Có cùng nguồn thu như bản Lĩnh, trước đây, hàng năm bản Mường Pồn 2 hỗ trợ thêm cho Trưởng bản 1,6 tạ thóc/năm, Bí thư 80kg thóc, Trưởng ban công tác mặt trận 30kg thóc, còn các chức danh không chuyên trách khác là 20kg thóc. Ðầu năm 2020, khi Quyết định 33 có hiệu lực thi hành, 3 cán bộ KCT có phụ cấp đều từ chối nhận thêm hỗ trợ của bản để chuyển số thóc đó cho những người khác. Bản đã họp thống nhất nâng mức hỗ trợ cho các chức danh không được hưởng phụ cấp lên 50kg/thóc/năm. Những người đứng đầu hội, đoàn thể của bản đều nhất trí và đồng ý tiếp tục tham gia công tác. Duy nhất vị trí Thôn đội trưởng sẽ do Trưởng bản kiêm nhiệm và không nhận thêm hỗ trợ nào. Anh Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2 chia sẻ: “Bản có 125 hộ nên rất nhiều công việc. Các đồng chí phụ trách hội, đoàn thể đều vất vả nên nếu không còn phụ cấp, hỗ trợ của bản cũng quá thấp thì khó có ai gắn bó. Tôi tình nguyện không nhận thêm hỗ trợ của bản để chuyển sang cho những người khác. Mọi người dân bản đều muốn nâng mức hỗ trợ cho những người không còn phụ cấp lên cao hơn nữa nhưng nguồn quỹ bản hạn chế nên chỉ được vậy. May mắn là các đồng chí ấy đều chấp nhận, không có ai xin nghỉ và vẫn nhiệt tình với công việc. Vì vậy bản cũng không có xáo trộn, ảnh hưởng gì bởi quy định mới”.

Ngoài các chức danh KCT mà mọi thôn, bản, TDP đều có, bản Mường Pồn 2 còn có phó bản, thanh tra, kế toán, thủ quỹ. Trong đó thanh tra bản có mức hỗ trợ 50kg thóc/năm, 3 vị trí còn lại nhận 90kg thóc/năm. Tổng từ năm 2020, bản trích quỹ hỗ trợ chi trả cho 9 chức danh. Ông Lò Văn Loan làm Thanh tra bản đã 3 năm, cho biết: Chức danh này được bản bầu ra đã nhiều năm, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát mọi công việc của bản như thu chi, phúc lợi, giải quyết tranh chấp, xây dựng các công trình cộng đồng… Mức hỗ trợ cũ của bản cho tôi là 30kg thóc/năm, nay nâng lên cùng với các chức danh khác là 50kg thóc/năm. Số thóc này không là bao nhưng là động lực thiết thực, khuyến khích tôi trách nhiệm hơn với công việc.

Theo thông tin từ xã Mường Pồn, 7/7 bản vùng thấp của xã đều thực hiện được việc xã hội hóa hỗ trợ chi trả cho các chức danh KCT của bản từ nhiều năm nay, nhờ có ruộng hợp tác xã và được chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng một số nguồn thu khác. Tuy nhiên năm 2020 có quy định mới về phụ cấp cho các chức danh thì các bản cũng thay đổi để phù hợp, xứng đáng với công sức của những người làm công tác hội, đoàn thể. Tùy vào nguồn quỹ của bản mà mức hỗ trợ thấp nhất từ 20kg thóc đến cao nhất là 100kg thóc/năm. Còn 4 bản vùng cao vẫn chưa thực hiện được việc này nhưng hầu hết đều có dự định đến cuối năm hoàn thành bầu cử, kiện toàn các chức danh chủ chốt của bản thì sẽ đưa ra họp bàn. Ông Chào Anh Nguyên, Bí thư Ðảng ủy xã nhận định: Việc xã hội hóa hỗ trợ cho các chức danh KCT không được phụ cấp thực sự cần thiết và ý nghĩa với hoạt động của các bản, đặc biệt là đặc thù ngoài lòng chảo, địa bàn rộng, còn khó khăn như Mường Pồn. Bởi nó giúp duy trì hoạt động các hội, đoàn thể, góp phần nắm tình hình, sâu sát các vấn đề của bản, của các hội viên, gia đình một cách tốt nhất. Từ đó triển khai các công việc hiệu quả, có thể kịp thời giải quyết các vấn đề, hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với các trường hợp đặc biệt.

Tỉnh ta đâu đâu cũng là rừng, là ruộng. Mường Pồn không phải địa bàn duy nhất trong tỉnh có ruộng hợp tác xã, được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Còn nhiều xã, bản có đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn thu tương tự hoặc cao hơn Mường Pồn. Vì vậy việc xã hội hóa hỗ trợ chi trả cho cán bộ KCT tại các bản của xã Mường Pồn có thể là mô hình để các thôn, bản, TDP khác nghiên cứu, học hỏi. Nhằm góp phần tạo động lực, trách nhiệm, nhiệt huyết góp sức xây dựng bản làng cho những người phụ trách hội, đoàn thể cùng các công tác khác của thôn, bản, TDP.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top