Cần sự quyết tâm của người nghèo

08:59 - Thứ Năm, 02/07/2020 Lượt xem: 7965 In bài viết

ĐBP - Xóa đói, giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thực tế thời gian qua có không ít hộ dân tìm mọi cách để “được” làm hộ nghèo nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước, trong khi có những người thực sự nghèo lại tình nguyện xin thoát nghèo.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðiện Biên Ðông giải ngân cho người dân xã Pú Nhi vay vốn phát triển sản xuất.

Tấm gương thoát nghèo

Gia đình ông Quàng Văn Phạ, bản Khon Kén, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) là một trong những hộ nghèo đầu tiên trên địa bàn tỉnh chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo trong năm 2017 để nhường sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ông Quàng Văn Phạ chia sẻ: “Năm 2017, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn song tôi vẫn quyết định viết đơn đăng ký thoát nghèo. Chuyện xin rút khỏi hộ nghèo đã khiến người dân trong bản bàn tán xôn xao. Người khen thì ít, người chê thì nhiều, có người còn nói là tôi “có vấn đề”; cũng có người thương cảm cho hoàn cảnh, khuyên nhủ tôi nghĩ lại để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Mặc mọi người nói, tôi vẫn kiên quyết rút khỏi danh sách hộ nghèo của bản”.

Không chỉ tiên phong viết đơn xin thoát nghèo, ông Phạ còn vận động con trai và một số hộ dân trong bản cùng đăng ký thoát nghèo. Nhờ đó, năm 2017 bản Khon Kén đã có 6 hộ cùng viết đơn xin thoát nghèo, giảm số hộ nghèo của bản từ 35 xuống còn 29 hộ (giảm 11,11%).

Chuyện những người như ông Phạ xin ra khỏi hộ nghèo tuy chưa nhiều, song những năm gần đây ở một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện, cho thấy ý thức của người dân, đặc biệt là người nghèo đã được nâng lên, họ thấy xấu hổ khi đeo bám mãi “danh hiệu” hộ nghèo để được hưởng chế độ của Nhà nước.

Ông Lường Văn Toán (bản Hốc, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo), người tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo năm 2019 cho biết: Mặc dù hộ nghèo được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên của Ðảng, Nhà nước, nhưng tôi nhận thấy xung quanh mình còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn và cần được giúp đỡ. Vì vậy tôi đã động viên các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát nghèo. Tôi và gia đình đều khỏe mạnh, con cái trưởng thành, có ruộng vườn để phát triển kinh tế. Nếu là hộ nghèo mãi cảm thấy xấu hổ lắm. Hiện giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng ổn, tôi không muốn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Gia đình ông Phạ, ông Toán chỉ là 2 trong số những hộ nghèo đã chủ động xin thoát nghèo trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Dù khó khăn, vất vả khi xin rút khỏi hộ nghèo, nhưng bằng ý chí, nghị lực, họ đã vượt qua, chiến thắng cái nghèo, trở thành tấm gương trong hành trình vươn lên thoát nghèo. Tuy chưa nhiều, nhưng các hộ nghèo tự nguyện xin thoát nghèo là một “cú hích” giúp cho việc tuyên truyền về công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt, để người dân nhận thức đúng đắn về công tác giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước, có ý chí vươn lên.

Cần khơi dậy ý thức thoát nghèo

Tìm hiểu thực tế bên cạnh một số hộ có ý thức vươn lên thoát nghèo thì vẫn còn nhiều hộ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng xã hội. Bởi nếu có tên trong danh sách hộ nghèo thì sẽ được Nhà nước lo từ gạo ăn, muối i ốt, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giống cây trồng, phân bón, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền điện, con em đi học không phải đóng tiền, được vay vốn ngân hàng...

Hộ anh Hờ A Nếnh, bản Tìa Ghềnh C, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) là hộ nghèo từ năm 2014. Gia đình anh được Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” do Chi nhánh Viễn thông Viettel Ðiện Biên phối hợp với UBND tỉnh lựa chọn hỗ trợ 1 con bò giống làm tư liệu sản xuất với mong muốn gia đình anh Nếnh sớm ổn định cuộc sống, tự lực vươn lên thoát nghèo. Ðến nay, sau hơn 5 năm kể từ khi được hỗ trợ, gia đình anh Nếnh không phát huy được hiệu quả chương trình hỗ trợ, “danh hiệu hộ nghèo” vẫn đeo bám còn con bò được hỗ trợ đã không còn.

Không chỉ người dân, mà thậm chí có trường hợp người thân của lãnh đạo xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vẫn còn tư tưởng “thích nghèo” để được Nhà nước hỗ trợ. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi về chuyện bình xét hộ nghèo, một lãnh đạo xã (xin không nêu tên) thẳng thắn kể lại lời của vợ ông với chúng tôi: “Anh làm cán bộ xã làm gì mà nhà mình không được vào hộ nghèo?”

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Nếu người dân không muốn thoát nghèo, cứ muốn nghèo mãi thì chính sách và mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ thất bại. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) cho rằng: Các chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước đối với người nghèo hết sức nhân văn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, phải thừa nhận do có quá nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo nên một bộ phận người dân ỷ lại không muốn thoát nghèo. Bởi thoát nghèo sẽ mất đi hỗ trợ, quyền lợi. Thực tế, thời gian qua hàng nghìn lượt người trên địa bàn xã được hỗ trợ giảm nghèo, thế nhưng người dân chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách để tiết kiệm nguồn lực, giảm bớt chính sách trợ cấp cho không, dễ tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Từ thực tế cho thấy nếu không có sự cố gắng vươn lên của người nghèo thì các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo sẽ không hiệu quả. Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh còn 43.048 hộ nghèo (chiếm 33,05% tổng số hộ) và 12.727 hộ cận nghèo (chiếm 9,77%). Nhiều người tự hỏi trong số ấy có bao nhiêu hộ thực sự nghèo và bao nhiêu hộ muốn mang danh hộ nghèo để hưởng lợi từ các chính sách. Và khi người nghèo còn tư tưởng “thích nghèo” thì hiển nhiên họ cũng không nỗ lực để thoát nghèo. Chính vì thế, câu chuyện giảm nghèo và cách thức giảm nghèo đã nhiều lần được nâng lên đặt xuống, bàn đi tính lại nhưng vẫn còn lắm gian nan.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top