Ðào tạo nghề thiết thực, hiệu quả

09:05 - Thứ Sáu, 03/07/2020 Lượt xem: 7210 In bài viết

ĐBP - Trong 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có gần 82.000 người tham gia học nghề, gần 54.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học xong là hơn 40.700 người, đạt 75,7%. Một số mô hình đào tạo nghề thí điểm tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt 90%. Như: Trồng và chế biến cà phê, kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà đồi, vườn; vận hành máy thi công nền...

Người dân bản Na Lốm, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây bưởi da xanh.

Hàng năm, tỉnh chỉ đạo tiến hành khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch phù hợp. Việc xác định danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp được triển khai khảo sát trực tiếp người lao động, từ cấp xã, cấp huyện tổng hợp trình tỉnh xem xét, quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm. Giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2019 đã tổ chức 2 cuộc điều tra, khảo sát với quy mô cấp tỉnh; 40 cuộc điều tra, khảo sát với quy mô cấp huyện, xác định được 38.650 người có nhu cầu học nghề (lĩnh vực nghề nông nghiệp chiếm 79,06%). Trong giai đoạn 2010 - 2015, số lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp chiếm 78,36% số người được hỗ trợ học nghề; lao động được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp chiếm 21,64% số người được hỗ trợ học nghề. Giai đoạn 2015 - 2019 số lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp chiếm 76,17%, lao động được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp chiếm 23,83%.

Thực hiện nhiệm vụ phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, hàng năm Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân phối hợp với chính quyền các xã cử cán bộ xuống thôn, bản họp dân khảo sát nhu cầu, nguyện vọng học nghề của nông dân các địa bàn. Anh Trịnh Văn Ðoàn, Phòng Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân) cho biết: “Người dân đều ủng hộ, nhiệt tình đăng ký tham gia; chủ động đề xuất học nhiều nghề nông nghiệp thiết thực, phù hợp cho lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Những năm gần đây, nhiều địa bàn có nhu cầu học nghề trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi... Ðặc biệt một số thôn, bản trên địa bàn huyện Ðiện Biên đề xuất mở lớp trồng khoai lang, bởi diện tích trồng khoai lang đang ngày càng tăng, trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân”.

Tại xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên, những năm gần đây, nhiều người dân tham gia các lớp dạy nghề trồng ngô. Tưởng đây là một công việc truyền thống, rất quen thuộc với nhiều hộ làm nông nghiệp và không cần phải học nữa, nhưng kết quả sau lớp học khiến nhiều người phải xem lại cách canh tác lâu nay của gia đình mình và hiểu thêm tầm quan trọng của việc học hỏi. Ông  Lường Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nưa cho biết: “Trước đây năng suất ngô trung bình của xã đạt 45 - 47 tạ/ha, sau lớp học nhờ trồng và chăm bón đúng kỹ thuật, năng suất ngô tại các bản được mở lớp tăng lên trung bình 55 tạ/ha. Từ đó, bà con tích cực trồng ngô vụ 3 (năm 2019 tăng 10ha so với 2018) để tăng thu nhập, trở thành phong trào của toàn xã”. Anh Lường Văn A, Trưởng bản Na Lốm, đồng thời là lớp trưởng của lớp kỹ thuật trồng ngô mở tại bản Na Lốm, Co Ké năm 2019 cũng chia sẻ: “Trước đây khi trồng ngô, bà con thường bỏ phân xuống dưới, gieo hạt rồi lấp đất, khiến cho hạt dễ thối, tỷ lệ sống không cao. Tham gia lớp học, chúng tôi đã biết cách xuống giống hạt cách phân bón 5 - 10cm và lên luống cao để không bị ngập úng. Trồng và chăm sóc đúng cách giúp các vườn ngô của người dân sinh trưởng, phát triển tốt cho cho năng suất cao hơn”. Từ đầu năm đến nay, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân vừa mới mở 6 lớp dạy nghề tại TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, gồm các nghề: Trồng nấm, trồng cây ăn quả, rau an toàn, nuôi cá.

Sau nhiều năm triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người học nghề đã có sự chuyển biến căn bản, nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm. Có ý thức học nghề, lao động nông thôn đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top