Sau nửa năm thực hiện Nghị định 100/CP

09:12 - Thứ Sáu, 03/07/2020 Lượt xem: 8285 In bài viết

ĐBP - Sau nửa năm triển khai thực hiện, Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra và để lại những hậu quả nặng nề. Ðiển hình như vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước khi lái xe khiến cháu Hà Ngọc M. (học sinh lớp 12) tử vong. Hay vụ TNGT giữa xe ô tô đầu kéo và xe máy tại xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng khiến 2 thanh niên tử vong khi mới ở tuổi đôi mươi, nguyên nhân là do lái xe ô tô đầu kéo đi không đúng phần đường và trước khi lái xe đã sử dụng rượu bia.

Ðó chỉ là 2 vụ trong rất nhiều vụ TNGT đã được cơ quan chức năng xác định do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia nhưng vẫn lái xe. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ. Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền của các cấp, các ngành cùng với quy định xử phạt tăng từ 2 - 3 lần so với quy định trước đây thì người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đa phần đã chấp hành nghiêm túc.

Ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở chia sẻ: Nếu trước kia, khi chưa có Nghị định 100/2019/NÐ-CP, việc uống rượu, bia của người dân địa phương gần như không thể kiểm soát. Các cuộc vui thường kéo dài với sự chúc tụng, “kích nhau” để uống thêm vài chén rượu, cốc bia. Thậm chí từ cuộc vui lại xảy ra hiềm khích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, tình trạng này giảm hẳn. Thời gian của những cuộc vui được rút ngắn lại, những người uống rượu, bia đã tự ý thức được bản thân để không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ðại bộ phận người dân trên địa bàn, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia; các vụ TNGT do sử dụng rượu, bia trên địa bàn và các xã lân cận đã giảm rõ rệt.

Còn anh Nguyễn Văn Phương, bản Hin, xã Na Sang (huyện Mường Chà) thì bày tỏ: “Trước đây cứ hết giờ làm việc là bọn mình lại tụ tập ở quán bia, ít thì mỗi người vài cốc, nhiều thì cả két, sau cuộc vui ai nấy tự điều khiển xe về nhà. Giờ nghĩ lại thấy sợ. Từ khi có Nghị định 100, tôi và nhiều đồng nghiệp luôn có quan điểm là đã uống rượu, bia thì không điều khiển các phương tiện giao thông”.

Nói về việc thực hiện Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã lập biên bản trên 3.700 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 892 phương tiện; xử phạt và nộp qua kho bạc Nhà nước trên 2 tỷ đồng, đồng thời tước 268 giấy phép lái xe. So với trước đây, lượng người vi phạm quy định về an toàn giao thông do sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm các vụ TNGT do lái xe có sử dụng rượu bia trên toàn tỉnh đã giảm so với các năm trước; ý thức khi tham gia giao thông của người dân cũng được nâng lên. Ðặc biệt là hiện nay khi đã sử dụng rượu, bia nhiều người đã chủ động sử dụng dịch vụ taxi hoặc gọi người thân đón. Ðiều này cho thấy Nghị định 100 không những hiệu quả vì có sức răn đe người tham gia giao thông, mà còn tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top