Chuyển biến trong thực hiện chính sách dân số

08:23 - Thứ Sáu, 10/07/2020 Lượt xem: 8207 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) ở tỉnh ta đã được quan tâm đúng mức. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên. Mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn ở mức cao so với cả nước song đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ dân số xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trên địa bàn xã. Ảnh: Văn Quyết

Từ năm 2015 về trước, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách dân số ở tỉnh ta cao, có thời điểm trên 25%. Nhưng hiện nay, con số này đã giảm nhiều, điển hình như năm 2018, toàn tỉnh có trên 19%; năm 2019 còn hơn 18%; ước 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 18,5%. Hay như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; năm 2018, trong tổng số người tảo hôn, trường hợp dưới 14 tuổi chiếm 2,5%; đến năm 2019, nhóm tuổi này chỉ còn 1,8%. Ðiểm đáng mừng nữa là dù tổng số trường hợp tảo hôn không giảm trên phạm vi toàn tỉnh, nhưng năm 2019 số người tảo hôn ở một số huyện có giảm so với năm 2018 (Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Ðiện Biên…). Chuyển biến tích cực nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết thống khi năm 2018, toàn tỉnh có 12 người thì từ đó đến nay chưa có trường hợp nào. Không chỉ giảm tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tỷ số giới tính khi sinh bé trai/bé gái đến nay cũng cơ bản được kiểm soát, ổn định (109 bé gái/100 bé trai)...

Theo đánh giá của Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh, để có được những kết quả quan trọng trên, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, được đơn vị cũng như nhiều cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Hàng năm, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện; hội liên hiệp phụ nữ; ủy ban mặt trận Tổ quốc; hội nông dân; đoàn thanh niên; các trường dân tộc nội trú, trường trung học cơ sở bán trú, các cơ quan truyền thông... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp cho người dân, nhất là bà con ở khu vực vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cũng thường xuyên truyền thông về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vận động đối tượng thực hiện các dịch vụ DS - KHHGÐ tại cộng đồng; triển khai thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGÐ; tuyên truyền các mục tiêu dân số và phát triển trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Cùng với công tác tuyên truyền, ngành Y tế đã phát huy nội lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên dân số, đây là “cánh tay” nối dài quan trọng của ngành ở thôn, bản, tổ dân phố. Bà Nhữ Thị Thùy, Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng) chia sẻ: Là huyện có điều kiện và vị trí địa lý thuận lợi hơn một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng đời sống cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Kéo theo đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và chênh lệch giới tính khi sinh cao. Ðể giảm thiểu tình trạng đó, đội ngũ cộng tác viên dân số đóng vai trò hết sức quan trọng. Bằng tinh thần trách nhiệm, họ thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chính sách dân số.

Là người trách nhiệm, tận tụy với công việc cộng tác viên dân số hơn 15 năm qua, chị Lù Thị Phương, ở bản Kéo, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) cho rằng: Ðể người dân hiểu, đồng thuận và thực hiện pháp lệnh dân số, tuyên truyền là hoạt động hiệu quả nhất đối với đặc thù các bản vùng cao. Chính vì thế, hàng năm, công tác truyền thông tại cơ sở được chúng tôi tích cực thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác truyền thông gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã áp dụng hình thức tuyên truyền qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo), phát thanh trên loa. Việc thực hiện truyền thông qua mạng xã hội, qua hệ thống loa phát thanh là một giải pháp hợp lý, có thể áp dụng rộng rãi mà vẫn đảm bảo tốt việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Công tác DS - KHHGÐ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà đã huy động được sự tham gia của nhiều sở, ngành và các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là thực hiện có hiệu quả Ðề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Ông Mùa A Giang, Trưởng phòng Dân tộc - Tuyên truyền cho biết: Là đơn vị được giao triển khai thực hiện đề án, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị như: Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương cấp xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân ở những địa phương có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo) với hàng nghìn lượt người tham gia. Thông qua công tác tuyên truyền, bà con dần nắm được tác hại, hậu quả, hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra; cũng như các vi phạm pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... từ đó từng bước thay đổi nhận thức về tư duy, hành động trong thực hiện chính sách dân số.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top