Lành mạnh hóa không gian mạng

10:27 - Chủ Nhật, 26/07/2020 Lượt xem: 7168 In bài viết

ĐBP - Những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với đặc tính lan tỏa nhanh trên không gian mạng, những thông tin xấu độc có khả năng mở rộng phạm vi tác động, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý.

Cơ quan Công an làm việc với trường hợp chia sẻ thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân.

Nhận diện thông tin xấu, độc

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 495.000 thuê bao điện thoại di động, 37.500 thuê bao internet và trên 4.700 máy tính tại các cơ quan. Nhiều người dân có tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo, gmail…) nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân cũng như công việc.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Trên thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị thì cũng có không ít thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc cần kiên quyết ngăn chặn, xử lý. Yêu cầu tất yếu đặt ra đối với người sử dụng mạng internet là tỉnh táo nhận diện, phân biệt thông tin tốt - xấu, đúng - sai cũng như mục đích, tác động của chúng. Bởi thông tin trên mạng được ví như “con dao 2 lưỡi” ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích, không hiểu rõ bản chất vấn đề. Ðây cũng là môi trường để các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị… lợi dụng để tiến hành hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, kích động người dân. Các hành vi vi phạm về đăng tải nội dung xấu, độc đã được quy định cụ thể tại Khoản 1, Ðiều 5, Nghị định số 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Thông tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng là những thông tin bịa đặt, bóp méo hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch. Thực tế nhiều vụ việc cho thấy thông tin xấu, độc này có những tác động rất tiêu cực đến đời sống xã hội. Ðơn cử, những thông tin không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh xuất hiện từ đầu năm 2020 sau khi đăng tải đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Hơn nữa, những tin đồn sai lệch, thiếu kiểm duyệt, xác minh đã gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, giám sát y tế tại cộng đồng.

Thời gian qua, Sở TT&TT đã thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng thông tin xuyên tạc, phản động hoặc nói xấu cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. Ðiển hình là một số vụ việc như: Một số chủ tài khoản facebook là người Ðiện Biên (đi lao động ngoài tỉnh) cập nhật, chia sẻ những thông tin sai, xuyên tạc việc Ðảng và Nhà nước ta xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19; vấn đề về Trung Quốc gây hấn tại biển Ðông; công tác nhân sự trước thềm Ðại hội Ðảng hay các thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt về vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Ðồng Tâm, vụ án Châu Văn Khảm… từ báo chí nước ngoài và các trang web không chính thống, blog cá nhân.

Năm 2019, cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện 5 trường hợp đưa thông tin xấu trên mạng xã hội. Từ đầu năm 2020 đến nay phát hiện 6 trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Những vụ việc trên đã được xử lý nghiêm.

Tăng cường xử lý

Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên internet đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, giải pháp thực hiện hiệu quả là đặt thông báo những bài viết có những quan điểm thiếu tích cực trên ứng dụng Google Alerts để nhận thông báo hàng ngày. Ðồng thời chạy phần mềm tổng hợp, phân tích thông tin liên quan đến Ðiện Biên để lọc thông tin thiếu tích cực. Sở đã giao Phòng Báo chí - Xuất bản, Thanh tra Sở kiểm tra, xác minh thông tin và trao đổi với Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) để xử lý. Tích cực nghiên cứu, rà soát các quan điểm sai trái, thù địch và các bài viết, chia sẻ trên internet, mạng xã hội để tham gia bình luận phản bác, chia sẻ các tin, bài đấu tranh, phản bác… Tuy nhiên khó khăn hiện nay là lực lượng thanh tra của Sở TT&TT còn mỏng; số cán bộ có kinh nghiệm còn ít. Nguồn xử lý chủ yếu căn cứ vào đơn tố cáo của cá nhân, tổ chức; chưa có công cụ hỗ trợ việc rà soát, phát hiện nội dung vi phạm. Từ tháng 1/2019, Sở TT&TT khuyết nhân sự Chánh thanh tra (người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở các mức, khung đến 5 triệu đồng), trong khi Phó Chánh thanh tra chỉ có thẩm quyền được áp dụng xử phạt như thanh tra viên (mức phạt vài trăm nghìn đồng). Vì vậy Sở TT&TT không trực tiếp xử lý mà chuyển hồ sơ, vụ việc để Công an tỉnh xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể đối với các tài khoản mạng xã hội của người Ðiện Biên đi công tác, làm việc ngoài tỉnh có đưa thông tin thiếu tích cực, Sở đã báo cáo Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, đề nghị Công an tỉnh phối hợp xử lý.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top