Hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở Mường Chà

10:28 - Thứ Hai, 27/07/2020 Lượt xem: 7138 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), những năm qua, huyện Mường Chà đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Đáng chú ý, sau thời gian học nghề, nhiều lao động nông thôn đã có việc làm để cải thiện, nâng cao nguồn thu nhập, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Nhờ được đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn của huyện Mường Chà đã vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, huyện Mường Chà đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động, nhất là việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng. Nhờ đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, huyện Mường Chà đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Chà cho biết: Qua 10 năm thực hiện, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn huyện được học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là hơn 3.150 học viên, số lao động có việc làm sau học nghề là 2.456 người (đạt 77,79%). Trong đó, 216 người được các doanh nghiệp tuyển dụng, 2.246 người tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên. Đáng nói, chất lượng lao động có cải thiện đáng kể. Đa số lao động sau khi được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề đã áp dụng có hiệu quả vào việc phát triển sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài ra, huyện triển khai xây dựng được một số mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề ở địa phương, như: Mô hình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn ở 3 xã (Mường Tùng, Hừa Ngài, Sá Tổng); mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang trồng dứa tại 5 xã (Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông, Huổi Lèng, Ma Thì Hồ) với tổng diện tích 133,08ha, năng suất thực thu đạt 150 tạ/ha, đạt giá trị thu hoạch trên 75 triệu đồng/ha; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa nương sang dong riềng tại xã Nậm Nèn, Pa Ham với tổng 260ha, năng suất 550 tạ/ha, đạt giá trị thu hoạch trên 55 triệu đồng/ha.

Những năm trước đây, thu nhập của gia đình anh Quàng Văn Choi, bản Na Sang, xã Na Sang trông chờ cả vào việc trồng lúa, ngô, sắn. Nhưng năng suất cây trồng đạt thấp, giá trị kinh tế không cao nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2014, sau khi được tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, anh đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi nên đàn gia súc của gia đình phát triển tốt, không bị dịch bệnh, gia súc tổng đàn đã tăng thành 13 con. Bên cạnh đó, nhờ được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dứa, anh Choi còn chuyển đổi hơn 6.000m2 đất trồng lúa nương, ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng dứa. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên gia đình anh đã thu lãi hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy cây dứa phát triển tốt mà hiệu quả kinh tế cao, nên sau mỗi năm gia đình anh lại mở rộng diện tích trồng dứa. Đến nay, diện tích trồng dứa đã tăng gần 4ha. Công việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi giúp gia đình anh Choi có “của ăn của để” với tổng thu nhập lên tới gần 300 triệu đồng/năm.

Sau 10 năm triển khai Đề án 1956, huyện Mường Chà đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học nghề, gắn mục đích học nghề với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất. Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo của huyện đạt 37,53%. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top