Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại quản lý lái xe

14:56 - Thứ Tư, 16/09/2020 Lượt xem: 4090 In bài viết

Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sáng 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Luật Bảo đảm TTATGT.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình dự án Luật nêu rõ, công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW và Kết luận số 45-KL/TW.

Cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời (so với các lĩnh vực giao thông khác như đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt thì tai nạn giao thông đường bộ, chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương). Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. 

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… (trong 10 năm đã xử lý gần 1,1 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy), đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người; còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.  

Trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT nói chung thì lĩnh vực bảo đảm TTATGT  đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT.

“Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Australia...)” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và khẳng định, việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, việc tách bạch phạm vi điều chỉnh, tách bạch nội dung của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thực sự cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ trong tình hình mới.

“Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại quản lý lái xe

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, một trong nhưng thay đổi lớn trong dự thảo Luật đó là quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với Công ước Viên năm 1968; quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường... Mô tả, làm rõ hơn một số quy tắc như tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ...

Trung tâm đào tạo lái xe.

“Dự thảo Luật cũng quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo hướng đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo hướng hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật.” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường... Mô tả, làm rõ hơn một số quy tắc như tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top