Nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt

08:54 - Thứ Sáu, 18/09/2020 Lượt xem: 7991 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng tăng; dây chuyền công nghệ xử lý được đầu tư hiện đại; các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Công nhân Nhà máy Xử lý rác thải Ðiện Biên (bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) xử lý rác tại khu tập kết. Ảnh: Phạm Trung

Hiện nay, khối lượng thác thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 200 tấn/ngày, trong đó nhiều nhất là TP. Ðiện Biên Phủ (57 tấn/ngày) và huyện Ðiện Biên (36 tấn/ngày). Toàn tỉnh có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 3 cơ sở xử lý bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp, còn lại là xử lý theo hình thức bãi chôn lấp.

Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên là đơn vị thu gom và xử lý rác thải lớn nhất tỉnh. Hiện nay, Công ty đang thực hiện thu gom và xử lý rác thải tại TP. Ðiện Biên Phủ và các xã, thị trấn trung tâm các huyện: Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo và Mường Chà.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên cho biết: Khối lượng rác thải rắn sinh hoạt do Công ty thu gom và xử lý liên tục tăng qua các năm (bình quân tăng 5%/năm). Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, Công ty đã tăng cường lao động, đầu tư phương tiện và dây chuyền công nghệ xử lý rác công suất lớn, hiện đại. Hiện nay, chỉ tính riêng địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, Công ty đang hợp đồng lao động với trên 200 công nhân thu gom; phương tiện có 600 xe đẩy, 5 xe điện thu gom, 4 xe cuốn, ép rác. Từ tháng 8/2019, Nhà máy xử lý rác tại bản Púng Min, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) hoàn thành và đưa vào sử dụng với dây chuyền, công nghệ xử lý hiện đại; công suất 96 tấn/ngày đêm góp phần nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn do Công ty phụ trách.

Trong quá trình thực hiện thu gom rác thải, tại một số ngõ, ngách trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có độ dốc lớn, xe đẩy thu gom thủ công với 1 công nhân vận hành rất khó khăn để đến tận nơi thu gom. Do đó, từ tháng 9/2018, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên đã xây dựng mô hình “Xe điện thu gom”. Hiện nay, Công ty có 5 chiếc xe điện triển khai điểm tại 2 phường: Tân Thanh và Him Lam. Xe điện có thể đi đến tận cùng các ngõ, ngách, khắc phục triệt để những hạn chế của xe đẩy thu gom. Bên cạnh đó, xe điện được tích hợp hệ thống loa truyền thanh, cho hiệu quả “2 trong 1”: vừa tăng công suất, hiệu quả thu gom vừa kết hợp thông tin, tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác, hạn chế rác thải nhựa, tập kết rác thải đúng nơi quy định.

Ông Trần Quốc Huy, Quản đốc Nhà máy xử lý rác thải (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Hiện nay Nhà máy có 24 lao động, chia thành 3 tổ (tổ máy, tổ phân loại và tổ đốt rác) hoạt động 24/7. Nhà máy phụ trách xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ (57 tấn/ngày) và huyện Ðiện Biên (17 tấn/ngày). Rác thải về đến Nhà máy sẽ được đưa qua hệ thống sàng phân loại, sau đó đưa vào hệ thống đốt. Muội, xỉ than hiện nay được xử lý bằng cách chôn lấp; Công ty đang mời chuyên gia nghiên cứu để tận dụng muội than theo hướng vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả kinh tế.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, thời gian tới ngành Tài nguyên và Môi trường cần thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư, tập trung rác thải tại điểm đầu mối đã quy định để thuận tiện trong việc vận chuyển xử lý; tuyệt đối không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, nhất là xả ra sông, suối. Ðối với các xã chưa bao phủ dịch vụ thu gom, xử lý rác thải phải thành lập đội tự quản để thực hiện công tác thu gom rác thải sinh hoạt; bố trí nhân lực, trang thiết bị thu gom rác hiệu quả, điểm tập kết rác thải phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường và vận chuyển đến nơi xử lý tập trung theo đúng quy định. Ðồng thời, các tổ chức hội, đoàn thể như: Phụ nữ, Nông dân, đoàn thanh niên vận động đoàn viên, hội viên tham gia cùng nhân dân thu gom, xử lý chất thải trên sông, suối, kênh mương thủy lợi, không để gây ô nhiễm môi trường.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top