Hiệu quả các lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà

09:13 - Thứ Hai, 28/09/2020 Lượt xem: 5821 In bài viết

ĐBP - Chăn nuôi gà vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người nông dân huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều áp dụng phương thức nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, việc phòng chống dịch bệnh chưa thường xuyên và triệt để nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo đã mở nhiều lớp  lớp dạy nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà” hướng tới mục tiêu hỗ trợ bà con sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bà Lường Thị Hoàn thực hành chăm sóc gà giống. Ảnh: Diệp Chi

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, thời gian qua, các lớp dạy nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà” được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo mở ngay tại cơ sở đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Tại lớp học này, ở các khu chăn nuôi, các học viên là bà con nông dân được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, chế biến tổ hợp khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh phòng trị bệnh... Ðặc biệt, các lớp học nghề đã xây dựng được mô hình chăn nuôi gà ngay tại hộ gia đình học viên, từ đó hướng dẫn cho bà con nuôi và chăm sóc gà, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nội dung học nghề là nhu cầu thực tế và phù hợp với tâm tư nguyện vọng chính đáng của học viên. Do vậy, kết thúc lớp học nghề 100% học viên đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Các hộ học viên có thể vận dụng tất cả những kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào chăn nuôi như: Biết lựa chọn con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà, chẩn đoán và phòng trị bệnh tương đối tốt, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế để tái đầu tư, có ý thức cao trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng trừ dịch bệnh… Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở được 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh ở gà cho 140 học viên.

Sau 3 tháng theo học lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo mở tại bản Ngúa, xã Quài Tở, chị Tòng Thị Dân đã mạnh dạn mua thêm con giống, áp dụng kiến thức đã được hướng dẫn vào phát triển chăn nuôi. Chị Dân chia sẻ: Trước đây, tôi thường nuôi gà theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ vài con để phục vụ sinh hoạt gia đình là chủ yếu, chứ chưa hề nghĩ đến việc tăng đàn để phát triển thành hàng hóa. Một phần cũng do tôi chưa nắm được các quy trình kỹ thuật, cách chọn giống, cách sử dụng thuốc thú y nên chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế lại thấp… Từ khi được tham dự lớp dạy nghề, tôi và các học viên trong bản đã có một lượng kiến thức kỹ thuật cơ bản để có thể mở rộng quy mô chăn nuôi. Giờ đây tôi đã biết cách chăm sóc đàn gà một ngày tuổi, tiêm phòng và bổ sung khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng… Khi áp dụng vào thực tiễn, tôi thấy đàn gà nuôi nhanh lớn, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm tỉ lệ mắc dịch bệnh, chất lượng thịt cao, hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với trước đây. Nhận thấy mô hình này hiệu quả, gia đình tôi tiếp tục nuôi 50 con gà giống và chuẩn bị nhập thêm 100 con nữa để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Gia đình bà Lường Thị Hoàn, bản Én Pậu, xã Quài Tở cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gia cầm. Nhưng cũng giống như chị Dân, gia đình bà chăn nuôi theo tập quán truyền thống, quy mô nhỏ nên năng suất không cao, thu nhập thấp. Vì vậy, bà đã đăng ký học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo mở ngay tại bản. Bà Hoàn cho biết: Tham gia lớp đào tạo nghề là cơ hội tốt để chúng tôi trao đổi, học tập kinh nghiệm và tiếp thu kiến thức, kỹ năng nuôi và phòng trị bệnh cho gà. Từ đó, chúng tôi có thể đủ tự tin để bỏ phương thức chăn nuôi lạc hậu cũ mà phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, từng bước tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Có thể thấy, các lớp đào tạo kỹ thuật nuôi gà ngắn hạn đã giúp nhiều nông dân tiếp thu kiến thức chăn nuôi, phòng trị bệnh, áp dụng vào thực tiễn hiệu quả. Qua mô hình chăn nuôi gà được xây dựng tại các lớp học cũng cho thấy, người nông dân huyện Tuần Giáo hoàn toàn có thể áp dụng để tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình vừa tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top