Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ

09:26 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 6732 In bài viết

ĐBP - Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân và sự phát triển của xã hội. Ðể giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng nhiên liệu thân thiện, không xả rác bừa bãi... Những hành động nhỏ bé nhưng lại góp phần tích cực để bảo vệ môi trường.

Mua sắm thực phẩm vừa đủ, hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại chợ Trung tâm 1 (TP. Ðiện Biên Phủ).

Nhận thấy việc tiết kiệm năng lượng chính là góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; thời gian qua, nhiều hoạt động đã được triển khai, tiêu biểu như Chiến dịch Giờ trái đất năm 2020. Với thông điệp “Hãy thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh”, chiến dịch này đã thu hút đông đảo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không chỉ tiết kiệm hơn 6.500kWh điện (tăng 1.935kWh so với năm 2019) mà mục tiêu lớn hơn đó là cùng lan tỏa ý thức trách nhiệm, kêu gọi người dân, cộng đồng, xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Chị Nguyễn Thiên Huyền, quản lý tại Trung tâm Ðiện máy - Nội thất văn phòng Sharp, trụ sở tại đường Võ Nguyên Giáp (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Hàng năm chúng tôi đều tích cực hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất. Doanh nghiệp luôn ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: Khuyến khích nhân viên giảm in ấn và photocopy, sử dụng văn phòng điện tử, rút phích cắm máy in, máy tính khi không sử dụng… Bằng việc sử dụng thiết bị điện hiệu quả, tiêu dùng điện thông minh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện mà còn góp phần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số quán ăn khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), có nhiều người để thừa phần ăn của mình. Thực tế cho thấy, tình trạng lãng phí thức ăn không chỉ diễn ra tại các nhà hàng kinh doanh thực phẩm tự chọn mà còn diễn ra trong sinh hoạt ở mỗi gia đình khi phải đổ bỏ những thức ăn thừa. Việc lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí về tài chính mà còn tiêu tốn tài nguyên quý giá, làm tổn hại khí hậu, đe dọa đa dạng sinh học, gây tác động rất lớn tới môi trường. Là người nội trợ, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) luôn suy nghĩ, tính toán làm sao để giảm được chi tiêu gia đình trong thời buổi “bão giá” mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chị Oanh chia sẻ: Nếu mỗi người nội trợ chịu khó bỏ ra một ít thời gian tính toán đủ khẩu phần ăn cho mỗi người thì sẽ tiết kiệm lượng lương thực, thực phẩm không nhỏ. Bản thân tôi thường lên kế hoạch cho các bữa ăn, liệt kê những thứ cần mua trước khi đi chợ để tránh mua theo cảm hứng, hạn chế mua thực phẩm nhiều hơn mức cần thiết.

Cùng với tiết kiệm thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày thì tại mỗi gia đình, việc phân loại rác thải là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi dạo quanh các khu vực tập kết rác thải trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đều bắt gặp cảnh rác thải vứt bừa bãi, lẫn lộn với nhau; trong đó, các loại rác thải nhựa, túi nilông bị vứt trực tiếp ra môi trường mà không được phân loại, gây khó khăn và tốn kém cho khâu xử lý. Vì vậy, mỗi người dân hãy bắt đầu thực hiện phân loại rác trong mỗi gia đình. Tại mỗi hộ gia đình đều có các loại túi để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt; giúp việc thu gom, vận chuyển cũng như phân loại rác để xử lý một cách dễ dàng. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, rác vô cơ để tái sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt thu hồi nhiệt lượng…

Có thể thấy, mỗi cá nhân đơn lẻ chỉ bằng những hành động nhỏ của bản thân, lan tỏa đến người thân, cộng đồng xã hội chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả lớn lao trong việc bảo vệ môi trường. Ðể góp phần bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân cần chung tay từ những việc nhỏ trong chính cuộc sống thường ngày, như: Trồng và bảo vệ cây xanh; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; phân loại rác sau khi sử dụng; rút các phích điện; sử dụng năng lượng sạch; thực hiện nguyên tắc 3R (giảm sử dụng - tái sử dụng - tái chế); sử dụng sản phẩm địa phương để tiết kiệm năng lượng vận chuyển; tiết kiệm giấy để bảo vệ rừng; giảm sử dụng túi nilon; tận dụng năng lượng mặt trời… Song song với nâng cao ý thức bản thân, kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, tạo thói quen, nền nếp sinh hoạt có ý thức bảo vệ môi trường đến mỗi người thân trong cả gia đình, cơ quan, trường học… để bảo vệ môi trường trở thành một nét văn hóa, hiện hữu hiển nhiên trong cuộc sống của mỗi người dân.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top