Toàn dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy

08:52 - Thứ Năm, 01/10/2020 Lượt xem: 6157 In bài viết

ĐBP - Hậu quả các vụ hỏa hoạn thường rất lớn: có gia đình mất người thân, tài sản tích cóp cả đời thành tro bụi; nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh… Thế nhưng, điều đáng nói là trong số các vụ cháy xảy ra có đến 80% nguyên nhân do sự bất cẩn, chủ quan của con người.

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn, diễn tập phương án PCCC cho nhân viên các trạm xăng dầu.

Vụ cháy nhà của gia đình anh Thào A Lử, bản Huổi Hạ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) xảy ra cuối năm 2019 là minh chứng rõ ràng cho sự bất cẩn của người dân. Cụ thể, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 9/12/2019, trời rét nên gia đình anh Lử đốt lửa trong nhà để sưởi ấm, nhưng do sơ suất nên ngọn lửa đã bùng phát gây cháy nhà. Ngôi nhà chủ yếu được làm bằng gỗ, lợp gianh, nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, người dân chỉ kịp vận chuyển lương thực (20 bao thóc) ra ngoài, còn lại toàn bộ vật dụng và ngôi nhà trị giá khoảng 20 triệu đồng đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. May mắn không có thiệt hại về người.

Tương tự, vào khoảng 10 giờ 20 phút ngày 16/1/2020, đã xảy ra một vụ cháy tại gara ô tô Anh Quốc, ở tổ dân phố 1, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã điều 3 xe ô tô chuyên dụng cùng cán bộ chiến sĩ khẩn trương đến chữa cháy. Sau khoảng 30 phút, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Vụ cháy rất may không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm nhiều đồ dùng, máy móc sửa chữa ô tô bị biến dạng, hư hỏng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân cháy được xác định là do đốt rác, các loại phế thải sửa chữa ô tô ở phía sau gara.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ cháy nhà, xưởng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC, nhưng ý thức của nhiều cơ sở kinh doanh, người dân vẫn còn chủ quan, lơ là. Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra 1.181 cơ sở, phát hiện 632 thiếu sót trong công tác PCCC. Ðiển hình, qua kiểm tra tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đều chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác PCCC. Ví dụ chợ Trung tâm 1, TP. Ðiện Biên Phủ được xác định có nguy cơ cháy thuộc nhóm 1. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tại chợ Trung tâm 1 không có bể nước chữa cháy, không có thiết bị báo cháy; không có hệ thống đường giao thông cho các phương tiện xe ô tô PCCC… Mặc dù đã nhiều lần được các đoàn kiểm tra nhắc nhở, xử lý nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay những hạn chế này vẫn chưa được khắc phục.

Bên cạnh đó, quy hoạch hạ tầng về giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn giữa các công trình còn nhiều bất cập, không đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhiều công trình được xây dựng lâu năm đã xuống cấp, tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm, sửa chữa cải tạo, nhất là tại các khu dân cư… đã ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC. Thực trạng phương tiện, dụng cụ PCCC vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ như: Mặt nạ phòng độc, trang phục bảo hộ cá nhân, phương tiện thông tin liên lạc… Hiện nay, ngoài TX. Mường Lay có phương tiện PCCC thì tất cả các huyện khác đều chưa được trang bị các phương tiện. Vì vậy, công tác PCCC ở các địa phương vẫn chủ yếu dựa vào lực lượng dân phòng là chính. Trong khi đó, tại một số địa bàn, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người dân còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác PCCC. Ngoài ra, không thể không nhắc tới tình trạng một số một tuyến đường tại các xã, bản, người dân tự ý xây dựng trụ bê tông, barie ngăn xe tải trọng lớn làm các xe chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không thể ra vào. Ðơn cử, năm 2019 xảy ra vụ cháy nhà anh Trần Tuấn, đội 6, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). Sau khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đã huy động 3 xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Tuy nhiên do tuyến đường vào xã bị chôn cột bê tông nên xe cứu hỏa không thể vào ứng cứu.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác PCCC, thời gian tới cần hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, nhất là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm tăng cường chức năng quản lý Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu về PCCC như: “Cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC”, “Cụm dân cư an toàn về PCCC”, “đơn vị điển hình tiên tiến và khu phố an toàn PCCC” nhằm nâng cao ý thức toàn dân phòng ngừa cháy nổ. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về PCCC. Ðồng thời phải có chế tài để gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị với công tác PCCC.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top