Góc nhìn – Tiêu điểm

Giữ gìn giá trị Tết Trung thu

09:01 - Thứ Năm, 01/10/2020 Lượt xem: 6194 In bài viết

ĐBP - Tết Trung thu còn được gọi là Tết Trông trăng hay Tết Ðoàn viên... Mỗi năm, các em nhỏ háo hức chờ đợi dịp này để vui chơi, xem múa lân, rước đèn ông sao, cùng nhau phá cỗ, ngắm chị Hằng, chú Cuội... Thế nhưng, những năm gần đây tác động từ xã hội hiện đại đã làm mai một ý nghĩa và giá trị truyền thống của Tết Trung thu..

Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, không khí trung thu đã lan tỏa khắp các phố phường, làng quê. Thị trường bánh kẹo, đồ chơi trung thu được bày bán phong phú, đa dạng; các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, nhà hảo tâm huy động nguồn lực để tổ chức trung thu cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những mặt tích cực thì một số người lợi dụng lễ hội của trẻ nhỏ thành “lễ hội quà biếu” cho những mục đích tư lợi khác nhau. Bánh Trung thu cũng dần trở thành một thứ “lễ”, để người lớn sử dụng trong các mối quan hệ; là “phương tiện” để người ta tranh thủ lấy lòng nhau. Tất cả là để “ghi điểm” trong mắt người được biếu, tặng. Một hộp bánh Trung thu có giá bạc triệu ngày càng bình thường, phổ biến. Thậm chí có hộp bánh giá hàng chục triệu đồng vẫn có người mua.

Cùng với bánh Trung thu, múa lân cũng là món ăn tinh thần mang đậm văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp tết Trung thu. Ở các vùng quê cũng như thành phố, múa lân được thành lập trên tinh thần tự nguyện, làm nhiệm vụ khuấy động không khí, tăng sự náo nhiệt. Mỗi khi có đoàn múa lân đi qua, trẻ con lại thích thú reo hò và nhập hội, theo đoàn lân đi khắp các đường làng, ngõ xóm. Thế nhưng ngày nay, múa lân đã trở thành một dịch vụ phải trả tiền. Ðành rằng, hoạt động nào ít nhiều cũng cần kinh phí tổ chức. Song cách thức như thế nào cho phù hợp là điều cần lưu tâm chứ không thể sòng phẳng đến mức vô cảm: “Niêm yết giá” và “diễn theo giá niêm yết” - bao nhiêu thời gian tương ứng bấy nhiêu tiền!

Sự thay đổi của Tết Trung thu thời nay còn được thể hiện trong việc tổ chức ngày hội trăng rằm. Ðể tổ chức đêm trung thu cho các cháu, nhiều xã, phường lên kế hoạch tổ chức khá linh đình, phô trương. Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao được làm với kích cỡ khổng lồ, thậm chí giữa các thôn, khu dân cư còn đua nhau làm đèn thật to, thật hoành tráng để thể hiện. Ðương nhiên kinh phí làm mỗi chiếc đèn này không phải nhỏ và được huy động, kêu gọi sự ủng hộ từ chính phụ huynh của các trẻ em. Nói là ủng hộ nhưng không phải “tùy tâm” mà thực tế là nộp theo định mức nhất định. Dù vẫn ủng hộ việc thu kinh phí để tổ chức trung thu cho các cháu, nhưng nhiều hộ gia đình cho rằng mức thu quá cao, có nơi lên đến cả trăm nghìn đồng, khiến nhiều người chưa đồng tình.

Tết Trung thu bây giờ đủ đầy hơn nhưng lại nhạt dần các giá trị truyền thống, vai trò chủ thể của trẻ em cũng nhạt nhòa. Chăm lo cho trẻ em không chỉ hưởng thụ mà còn cần giáo dục những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc từ bao đời nay, để ngày Tết Trung thu luôn ý nghĩa. Ðừng vì những mục đích riêng mà vô tình hay hữu ý quên đi giá trị chung.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top