Dân vận khéo - gốc rễ của thành công

09:27 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5634 In bài viết

ĐBP - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “dân vận là vận động lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những việc mà Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, công tác dân vận đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các tổ chức hội TP. Ðiện Biên Phủ nghiêm túc thực hiện gắn với các nội dung cụ thể, các phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận góp phần hoàn thành các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tổ dân vận phố 3, phường Nam Thanh nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ dân nằm trong vùng dự án.

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, vì vậy, TP. Ðiện Biên Phủ được UBND tỉnh quan tâm đầu tư các công trình, dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị với mục tiêu “Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong thực hiện các dự án là giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường, di dời các hộ dân trong vùng dự án chuyển tới khu tái định cư. Ðể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, thành phố xác định công tác dân vận phải đặt lên hàng đầu và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích khi triển khai các công trình, dự án. Ðồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, doanh nghiệp tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân có biện pháp hỗ trợ động viên các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất. Như trong việc thực hiện Dự án làm đường đoạn từ cầu A1 đến cầu C4, thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Ðiện Biên Phủ” và Dự án Ðầu tư xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất (thuộc Dự án làm đường đoạn từ cầu A1 đến cầu C4), khu vực tổ dân phố 3, phường Nam Thanh nơi có 40 hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường thuộc dự án. Ban giải phóng mặt bằng của thành phố phối hợp với UBND phường đã phân tích, giải thích về lợi ích của dự án đem lại, công tác đền bù giải tỏa đảm bảo chế độ chính sách đúng pháp luật. Nhờ đó, bước đầu có 38 hộ dân trong diện bị giải tỏa đã đồng thuận và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng 2 hộ dân chưa đồng thuận, Ban Dân vận Thành ủy cũng như ban dân vận phường đã xuống từng hộ tìm hiểu những khó khăn mà mỗi gia đình gặp phải để tháo gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho các hộ. Sau một thời gian vận động thuyết phục, 2 hộ dân cuối cùng cũng đã đồng ý di dời, nhất trí với phương án đền bù giải phóng mặt bằng của thành phố đưa ra.

Từ năm 2015, phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn thành phố chính thức được phát động, với phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin” được thông qua các mô hình dân vận khéo, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Ðặc biệt trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn thành phố đã quyên góp ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng NTM. Chỉ sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, xã Tà Lèng và xã Thanh Minh đã hoàn thành các tiên chí và được công nhận NTM (trước thời điểm chưa sáp nhập). Năm 2020, điển hình có mô hình vận động người dân thực hiện sáng - xanh - sạch - đẹp của tổ dân phố 13, phường Mường Thanh. Ðược biết, cách đây vài năm nơi đây là con đường lầy lội, nhỏ hẹp, khó đi lại, mỗi khi mùa mưa đến thì ngập úng, người dân phải di chuyển đồ đạc để tránh nước ngập. Ðể có được diện mạo như ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp không nhỏ từ người dân. Ông Phạm Kim, Bí thư chi bộ tổ dân phố 13 cho biết: “Cấp ủy chính quyền tổ dân phố, phường đã xác định trước hết phải làm cho dân hiểu và thấy được ý nghĩa quan trọng của mô hình. Ðồng thời, dân chủ, công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Ðây chính là gốc rễ để giải quyết tất cả mọi vấn đề khi lòng dân đã thuận”.

Từ những mô hình dân vận trên cho thấy, công tác dân vận ở TP. Ðiện Biên Phủ đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của nhân dân trong xây dựng và phát triển thành phố một cách toàn diện với tiêu chí: Lấy sự chỉ đạo của Ðảng làm nòng cốt, lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, lấy công tác dân vận làm nền tảng để thực hiện giải quyết mọi vấn đề khó khăn của cấp ủy, chính quyền thành phố.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top