Mùa săn dế

13:33 - Thứ Bảy, 24/10/2020 Lượt xem: 8616 In bài viết

ĐBP - Tháng 10, vùng cao Ðiện Biên đã không còn cái nắng nóng, oi ả của mùa hạ nữa, tiết trời trở nên dịu mát, có sương giăng mỗi sáng và tiếng dế mèn kêu rả rích mỗi đêm. Ði công tác vùng cao dịp này, chúng tôi được bà con địa phương mời thưởng thức những món ăn độc đáo, chế biến từ dế mèn, mang đậm chất bình dị, dân dã của vùng cao. Ðược biết, dế mèn cũng chính do người dân đi săn bắt trong tự nhiên, ngoài làm món ăn trong gia đình, bà con còn bán dế mèn theo nhu cầu khách đặt mua.

Chị Giàng Thị Mỷ, bản Ðề Pua chia sẻ với phóng viên về việc đi săn bắt dế mèn.

Dẫn chúng tôi vào bản Ðề Pua, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), ông Lèng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: “Dế mèn vốn là món ăn đặc sản ở vùng cao từ xa xưa. Người dân vùng cao từ già tới trẻ, ai cũng biết săn bắt dế mèn và chế biến thành những món ăn rất ngon. Nhưng đến năm nay, do nhu cầu thực khách, bà con mới đi săn, bẫy dế mèn số lượng lớn để bán kiếm thêm thu nhập. Vào độ tháng 8 - 9 âm lịch, khi mùa mưa kết thúc, là thời điểm thích hợp để bà con đi săn bắt dế mèn. Thời điểm này, thanh niên, nam giới xã Phìn Hồ chúng tôi thường rủ nhau đi săn bắt dế mèn quanh bìa rừng. Ngoài để kiếm thêm thu nhập, tôi thấy đó cũng là thú vui lành mạnh của họ”.

Theo chia sẻ của ông Lèng Văn Minh, dế mèn là loại côn trùng sinh sống trong tự nhiên, làm tổ trong lòng đất, núi đồi, quanh bìa rừng, ven suối, cạnh bờ ruộng, ao, vườn... Vào mùa mưa chúng đẻ trứng và sinh sôi, phát triển nhiều. Nên sau mùa mưa, bà con có thể săn bắt được rất nhiều dế mèn.

Ở cánh rừng già trong xã Phìn Hồ từ lâu cũng được biết là địa điểm có nhiều dế mèn trú ngụ. Do đó, người dân bản Ðề Pua sinh sống cạnh bìa rừng cũng trở thành những thợ săn dế lành nghề. Hai tháng nay, thanh niên, nam giới trong bản thường rủ nhau đi săn bắt dế vào ban đêm, đem về bày bán dọc tỉnh lộ 145B (từ Km45 (quốc lộ 4H -  Trung tâm huyện Nậm Pồ).

Ðến bản Ðề Pua, chúng tôi nhìn thấy những sạp hàng bày bán nông sản của bà con dọc hai bên tỉnh lộ, trong đó có rất nhiều dế mèn còn rất khỏe mạnh. Những con dế mèn đen trũi, béo chắc, còn lành lặn từ cánh đến chân, khiến nhiều người đi qua cảm thấy tò mò và chọn mua về chế biến thành món ăn đặc sản.

Chị Giàng Thị Mỷ (người dân bản Ðề Pua) vừa bán hết vài cân dế mèn, vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Thấy bà con trong bản rủ nhau đi bắt dế, con trai và cháu trai tôi cũng đi bắt khoảng 2 tháng nay rồi. Tối nào chúng nó cũng đi bắt dế đến nửa đêm mới về. Hôm ít thì bắt được một cân, hôm nhiều thì vài cân. Sáng nào khách đi qua đây cũng chọn mua rất nhanh. Tôi còn gom thêm dế của bà con trong bản bán cho các nhà hàng, quán ăn ở trung tâm huyện Mường Nhé vì họ đặt mua từ trước. Tôi bán với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg thôi. Mỗi ngày kiếm thêm vài chục nghìn để cải thiện cuộc sống”.

Ðược biết, mùa săn dế của bà con vùng cao cũng là thời điểm nông nhàn. Bởi sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng vụ hè thu (cuối tháng 9) thì thời tiết chuyển mùa, trở nên khô hanh, nắng hạn nên rất khó trồng trọt được. Cũng vì lẽ đó, năm nay vào thời điểm này có nhiều người đi săn dế hơn, bởi ai cũng tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thu nhập.

Nhận lời mời của bà con, chúng tôi ở lại bản Ðề Pua để thưởng thức những món ăn chế biến từ dế mèn; đồng thời chờ trời tối để theo các thanh niên trong bản đi săn bắt dế. Theo chia sẻ của bà con, dế mèn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ngoài rán, chiên, hấp đơn thuần, dế còn làm nộm, băm làm chả hoặc nấu canh lá đắng, lá chua. Thưởng thức món dế mèn chiên giòn do bà con bản Ðề Pua chế biến, chúng tôi cảm nhận được có vị bùi, béo ngậy và lạ miệng, khác hẳn các món ăn đơn thuần. Có lẽ, vì sự đặc biệt của món dế mèn là món ăn sạch, dân dã vùng cao nên đã khiến nhiều thực khách ưa chuộng.

Buổi chiều, khi trời dần tối cũng là lúc tiếng dế kêu rả rích phát ra từ bìa rừng cạnh bản Ðề Pua càng nghe rõ hơn. Chúng tôi háo hức cùng các thanh niên, người dân trong bản đi săn bắt dế. Họ mang theo những vật dụng đơn giản, gọn nhẹ, như: Ðôi ủng, đèn pin, thanh tre dài, nước và túi đựng dế. Cùng đi với tôi, ông Hờ A Tính, người có kinh nghiệm săn bắt dế tại bản Ðề Pua chia sẻ: “Buổi tối là thời điểm thích hợp nhất để bắt dế. Bắt dế không khó nhưng phải người khéo léo và kiên trì. Có nhiều cách để bắt dế nhưng dễ nhất là soi đèn vào tổ, dế sẽ theo ánh đèn bò lên miệng hang; lúc này, ta cần bắt nhẹ nhàng để con dế còn nguyên vẹn...”. Do lành nghề, ông Tính bắt được nhiều dế. Nhưng việc săn bắt dế không hề dễ dàng chút nào; khó nhất là phát hiện được tổ dế vào ban đêm. Chúng tôi soi đèn pin và căng mắt tìm kiếm cũng khó phát hiện ra tổ dế; đồng thời cũng phải tránh thú rừng hoặc côn trùng có độc tấn công.

Chia tay những nông dân săn dế bản Ðề Pua, chúng tôi trở về thành phố mang theo món quà đặc biệt là dế mèn. Tôi vẫn nhớ như in những chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ Lèng Văn Minh: “Thấy bà con trong xã chịu khó lao động, để kiếm thêm thu nhập, cán bộ xã chúng tôi đã họp bàn, xây dựng kế hoạch, dự án giúp bà con triển khai mô hình nuôi dế mèn để bán. Nếu có thể triển khai được 1 - 2 mô hình và nuôi tập trung, số lượng lớn thì sẽ thu nhập cao hơn”. Qua những chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ, chúng tôi hy vọng rằng, dự án của chính quyền xã đưa ra sẽ khả thi, giúp bà con có thêm hướng chăn nuôi mới, kiếm thêm thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top