Lao động nông thôn học nghề thoát nghèo

09:23 - Chủ Nhật, 01/11/2020 Lượt xem: 4759 In bài viết

ĐBP - Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Nhờ đó, phần lớn người lao động sau khi được học nghề biết áp dụng kiến thức đã học vào lao động, sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhiều lao động đã có việc làm ổn định.

Nhờ được đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn đã vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Nông dân thị trấn Mường Chà chăm sóc đàn lợn.

Những năm trước đây, gia đình chị Pòong Thị Luyến, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) có cuộc sống hết sức khó khăn do nguồn thu nhập không ổn định. Sau khi được tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn thịt kết hợp với nấu rượu gạo. Với bản tính cần cù, chịu khó cộng với việc chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn của gia đình chị phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Lứa lợn đầu tiên sau xuất bán gia đình chị thu lãi hàng chục triệu đồng. Thấy chăn nuôi thuận lợi lại cho nguồn thu nhập cao, chị Luyến tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi lên 2 lứa/năm (mỗi lứa nuôi hơn 20 con) kết hợp với nấu hàng chục lít rượu gạo/ngày. Nhờ đó từng bước thoát cảnh khó khăn, thu nhập ổn định lên tới gần 100 triệu đồng/năm.

Ðể có tiền nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống gia đình, ngoài việc làm nương, những năm trước đây, ông Khoàng Văn Phánh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) tranh thủ thời gian đi làm thuê để có thêm thu nhập. Công việc vừa vất vả mà thu nhập cũng chẳng đủ ăn. Vì thế, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi thủy sản để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm nuôi thả cá. Từ kiến thức được học, ông Phánh áp dụng vào thực tế nuôi thả cá của gia đình, nhờ vậy hiệu quả kinh tế đã được nâng lên rõ rệt. Ngoài nuôi thả cá, ông Phánh còn kết hợp chăn nuôi thêm hàng chục con trâu, bò, lợn và hàng trăm con gia cầm các loại, trồng thêm một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: vải, nhãn, chanh… Ðến nay, gia đình ông không chỉ nâng cao được nguồn thu nhập, thoát cảnh đói nghèo mà còn trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Mường Nhé.

Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả công tác đào tạo nghề trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức tuyển mới đào tạo nghề cho hơn 5.340 người. Trong đó, chia theo cấp trình độ đào tạo: Cao đẳng 120 người; trung cấp 212 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.010 người. Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí học nghề theo chính sách của Nhà nước hơn 4.170 người, chủ yếu học các lớp nghề nông nghiệp, như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; kỹ thuật trồng và khai thác rừng; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm; kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt trong ao, hồ... Ðáng nói, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt cao (chiếm 79,5%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từng bước được nâng cao. Nhận thức về vấn đề học nghề, tạo việc làm của người lao động có sự chuyển biến tích cực, không còn tình trạng học nghề theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước. Ðặc biệt, tại một số nơi, người dân đã chủ động đề xuất với chính quyền xã, cơ sở đào tạo chọn nghề, phương thức tổ chức đào tạo phù hợp với điều kiện địa phương.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Từ đó, giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top