Ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động

09:01 - Thứ Hai, 23/11/2020 Lượt xem: 5708 In bài viết

ĐBP - Tai nạn lao động (TNLÐ) trở thành nỗi ám ảnh khi làm suy yếu hoặc mất sức lao động đối với người lao động, trường hợp nghiêm trọng có thể mất đi tính mạng, là nỗi đau cho người thân và gánh nặng của xã hội. Tuy nhiên vì rất nhiều nguyên do các vụ TNLÐ vẫn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 46 vụ TNLÐ; trong đó khu vực có quan hệ lao động toàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ TNLÐ làm 3 người chết; khu vực không có quan hệ lao động số vụ TNLÐ là 45 vụ, khiến 46 người lao động bị tai nạn (6 người chết; 11 người bị thương nặng...). Ðáng chú ý là số vụ TNLÐ giản đơn trong nông nghiệp 31 vụ (chiếm 68,9%); lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa 7 vụ (15,6%); thợ mộc và thợ làm gỗ 4 vụ (8,9% trên tổng số vụ TNLÐ), còn lại là các vụ TNLÐ hoạt động lắp ráp máy móc cơ khí, cơ khí điện.

Lao động xây dựng cầu đường làm việc trong điều kiện nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, song một bộ phận người lao động chưa ý thức mặc bảo hộ lao động. Ảnh: Gia Kiệt

Ðiều đáng nói là 100% vụ TNLÐ chết người hoặc làm bị thương từ 2 người trở lên ở khu vực không có quan hệ lao động đều chưa được thực hiện điều tra. Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Ðiều 10 của Nghị định số 39/2016/NÐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), khi nhận được thông tin xảy ra TNLÐ làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 người lao động trở lên, UBND cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo nhanh nhất với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an cấp huyện. Song trên thực tế với các vụ TNLÐ ngoài quan hệ lao động xảy ra thời gian qua UBND các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện theo quy định. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2020 Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không nhận được thông tin khai báo từ cấp xã về các vụ TNLÐ chết người hoặc làm bị thương từ 2 người lao động trở lên đối với đối tượng lao động làm việc không có hợp đồng lao động. Bên cạnh đó việc thực hiện báo cáo TNLÐ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại một số huyện còn chậm (huyện Ðiện Biên, TX. Mường Lay) đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp đánh giá tình hình TNLÐ chung của tỉnh dẫn đến số liệu không phản ánh đầy đủ.

Chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLÐ về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Ðó là xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan. Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn. Cần chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa TNLÐ tại đơn vị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành về ATVSLÐ tại cơ sở, thường xuyên cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm nơi làm việc an toàn, vệ sinh. Không buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.

Cùng với đó, các sở, ngành quản lý Nhà nước các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra TNLÐ, sự cố nghiêm trọng, như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các công trình trọng điểm, tiếp giáp khu dân cư, đông người qua lại. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLÐ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLÐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp. Ðẩy mạnh tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLÐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Ðặc biệt là chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện việc khai báo TNLÐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định tại điểm b, khoản 3, Ðiều 10 của Nghị định số 39/2016/NÐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLÐ; lập biên bản ghi nhận TNLÐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định và thực hiện việc thống kê, báo cáo TNLÐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLÐ, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top