Trăn trở từ Nậm Sin

09:44 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 5964 In bài viết

ĐBP - Không phải lần đầu đến bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé - bản người dân tộc Si La duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên; nhưng mỗi lần tới thăm bản, chúng tôi lại thêm một lần nặng trĩu những suy tư, trăn trở về đời sống và tư tưởng của bà con người Si La - một trong những nhóm dân tộc ít người nhất tại Việt Nam.

Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng người Si La tại bản Nậm Sin vẫn tổ chức các lễ tục truyền thống. Trong ảnh: Người Si La làm bánh dày trong Lễ cơm mới của dân tộc.

Đã 15 năm từ khi triển khai Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải theo Quyết định số 237/QĐ-UBDT ngày 16/5/2005 của Ủy ban Dân tộc, đến nay, về cơ bản, hệ thống cơ sở vật chất và các công trình xây dựng thiết yếu cho bản Nậm Sin đã được đầu tư phục vụ lợi ích nhân dân; nhưng đời sống kinh tế, trình độ dân trí và ý thức lao động, sinh hoạt... của bà con thì chuyển biến rất chậm.

Anh Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin cho biết: “Bản hiện có 50 hộ với trên 200 khẩu. Từ khi được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, hệ thống cơ sở vật chất: điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, từ năm 2010, bản có trên 85% hộ nghèo thì đến nay vẫn còn trên 80%”. Do chưa có bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy về phát triển sinh kế, xóa đói, giảm nghèo nên nhiều năm trôi qua, đời sống của bà con bản Nậm Sin khó vẫn hoàn khó. Từ đó ảnh hưởng tới việc xây dựng, phát triển nông thôn mới của địa phương và chất lượng đầu tư theo giai đoạn của Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La.

Chúng tôi tìm gặp ông Lỳ Chà Che, già làng bản Nậm Sin tại ngôi nhà ngay đầu bản. Ông Che vốn là bộ đội về hưu, là người có tư tưởng đổi mới, hiểu biết trong bản Nậm Sin. Gia đình ông Che cũng được coi là hộ khá trong bản Nậm Sin, nhưng trong nhà cũng không có đồ đạc, đồ dùng gì giá trị, ngoài mấy bao thóc. Đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng ông Che vẫn đi làm nương. Dẫn chúng tôi lên lán nương của gia đình cách bản Nậm Sin vài cây số, ông Che cho biết: “Người dân tộc Si La chúng tôi có tập quán lâu đời là canh tác trên nương, gieo trồng trên đất dốc. Tuy không du canh du cư như một số dân tộc khác, nhưng đối với đất nương, đất nông nghiệp dốc, bà con thường gieo trồng từ 10 - 15 năm và không có biện pháp cải tạo, khiến đất dần bạc màu. Chính vì thế năng suất, chất lượng cây trồng như lúa, ngô, sắn ngày càng thấp đi. Nhiều năm trước chính quyền địa phương đã tới tuyên truyền, cầm tay chỉ việc và hỗ trợ để bà con thay đổi phương thức gieo trồng từ đất dốc sang đất bằng; đồng thời thay đổi các loại giống cây có năng suất cao hơn, nhưng bà con vẫn chưa biết áp dụng. Vì thế, đến nay diện tích lúa nước trong bản gần như không đáng kể. Bà con vẫn lên nương chọc lỗ, tra hạt, đợi chờ thu hoạch mỗi năm 1 vụ; vẫn dùng gậy đập lúa, tách hạt thủ công...”.

Trẻ em bản Nậm Sin tụ tập, vui chơi.

Dù biết tư tưởng bà con còn lạc hậu, nhưng bản thân ông Che cũng như những người có trình độ hiểu biết khác trong bản Nậm Sin cũng không thể tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu để thay đổi. Sống trong cộng đồng một dân tộc có kết cấu gắn bó, tính chất biệt lập, khác hẳn các dân tộc khác và lại nhận được nhiều sự hỗ trợ, sẻ chia từ các nguồn chính sách, xã hội hóa và tài trợ từ thiện nên một số bà con trong bản Nậm Sin còn tồn tại suy nghĩ trông chờ, ỷ lại. Như chia sẻ của ông Hù Chà Thái, người có uy tín bản Nậm Sin: “Mấy năm nay, người dân Nậm Sin đã có điện thắp sáng, được xem tivi để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng bà con lại không thay đổi được tư tưởng, không chịu đổi mới, cứ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của trên. Do được hỗ trợ từ các nguồn thường xuyên nên một số thanh niên, nam giới còn lao động cầm chừng, chưa tu chí... Nói mãi bà con không chịu nghe nên chúng tôi cũng đành bất lực”.

Bên cạnh đó, theo chứng kiến của chúng tôi, người dân bản Nậm Sin vẫn còn giữ một số thói quen lạc hậu như thả rông gia súc, gia cầm khắp bản; chúng phóng uế gây mất vệ sinh môi trường nhưng bà con chưa có ý thức thu dọn. Bà con còn bỏ hoang ruộng đất, ao, vườn... không chịu tăng gia sản xuất. Hệ thống đường ống dẫn nước và vòi nước tại các bể công cộng trong bản Nậm Sin bị hư hỏng lâu ngày, nhưng bà con cũng không có ý thức tu sửa lại, để nước chảy suốt ngày đêm tràn ra khắp nơi gây lãng phí...

Thực tế, không chỉ nhà đầu tư về Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, mà chính quyền huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho bản Nậm Sin. Riêng về công tác giáo dục, giờ đây bản Nậm Sin đã có một ngôi trường khang trang, kiên cố mang tên Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, phục vụ cho việc học tập của các cháu học sinh là con em đồng bào Si La trong bản. Mới đây, theo Nghị quyết 166/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành, từ năm 2020 - 2022, bản Nậm Sin sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông loại B từ Quốc lộ 4H vào bản dài gần 10km. Thế nhưng, để các chương trình đầu tư, hỗ trợ phát huy được hiệu quả, mục tiêu như mong đợi thì nội lực, tư duy của bà con bản Nậm Sin cần phải có sự thay đổi, bứt phá hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lỳ Đồng Tá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải, chia sẻ: “Dẫu biết là việc thay đổi tư duy cũ kỹ, lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của bà con người Si La không phải một sớm, một chiều mà làm được; nhưng đó là một nhiệm vụ quan trọng chính quyền xã chúng tôi phải thực hiện trong nhiệm kỳ này. Trong khi các bản khác của xã Chung Chải đang thay da, đổi thịt từng ngày, thì người dân bản Nậm Sin cũng cần nhìn nhận, học tập, làm theo. Bà con cần quyết tâm hơn trong xóa đói, giảm nghèo. Bà con cần hiểu rằng, sự bứt phá, nỗ lực trong chính cộng đồng người dân tộc Si La mới là tiền đề đem lại cuộc sống no ấm, đủ đầy cho con em họ sau này, chứ không phải từ các chương trình, dự án, hỗ trợ của Nhà nước mang lại”.

Bài, ảnh: Phương Liên - Thu Thủy
Bình luận
Back To Top