Những thanh niên khởi nghiệp sáng tạo

15:52 - Thứ Tư, 27/01/2021 Lượt xem: 4125 In bài viết

ĐBP - Với địa bàn miền núi, nông nghiệp là chủ yếu như tỉnh ta, khởi nghiệp  sáng tạo có lẽ không dễ dàng. Khởi nghiệp như thế nào, khởi nghiệp từ sản phẩm gì là bài toán đang được những người trẻ nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm “dấn thân” tìm đường, mở lối phát triển.

Anh Nguyễn Ngọc Ánh thử nghiệm làm dứa sấy.

Cử nhân trẻ về quê khởi nghiệp

Vài năm gần đây, tỉnh ta xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mới do người trẻ khởi xướng. Những cử nhân trẻ từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước, trở về với đồng ruộng, vườn cây, nương đồi, nhưng mang theo kiến thức, kỹ thuật, tư duy mới để nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng tầm và giá trị sản phẩm nông nghiệp quê hương. Họ đã chọn con đường khởi nghiệp từ chính những nông sản đặc trưng gắn liền với tuổi thơ mình, với nơi mình sinh ra và lớn lên. Ðã có nhiều mô hình khởi nghiệp tương đối thành công, tạo được thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện, tỉnh.

Có thể kể đến như Nguyễn Mỹ Linh, nữ giám đốc trẻ sinh năm 1996 của Công ty TNHH Hương Linh. Lớn lên bên những đồi chè, cùng những mẻ chè thành phẩm của bố, sau khi tốt nghiệp đại học, Linh trở về mảnh đất Tủa Chùa xây dựng thương hiệu Diệp Thanh Trà từ những búp chè được đồng bào dân tộc Mông hái thủ công trên các đồi chè hơn 20 năm tuổi. Diệp Thanh Trà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh. Còn anh Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Ðiện Biên là thanh niên 8x xin nghỉ việc ở một cơ quan để tiên phong liên kết xây dựng mô hình cánh đồng lớn, sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Từ mô hình đó, thương hiệu gạo tám Ðiện Biên, gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã phân phối rộng khắp các tỉnh miền Bắc và các chuỗi siêu thị lớn, uy tín như: VinMart, Big C…

Anh Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc 9x của Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên, khi còn nhỏ từng rất sợ những đõ ong của gia đình nhưng lớn lên lại say mê tìm hiểu về ong. Từ đó tìm cách xây dựng thương hiệu cho mật ong tự nhiên địa phương, đặc biệt là phát triển mật ong hoa ban, mật ong bánh tổ thành sản phẩm tiêu biểu của địa bàn, được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh năm 2019. Anh Ðạt chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi thấy mật ong Ðiện Biên ngon không kém, thậm chí hơn nhiều loại mật ong đã nổi danh khác nhưng lại chưa xây dựng, định vị thương hiệu. Gia đình các cậu tôi có mấy chục năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật hoa tự nhiên theo mùa, vất vả di chuyển các nhà ong đến từng vùng hoa nhưng giá mật lại rẻ, bị ép giá và thị trường không ổn định. Vì vậy tôi mới quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mật ong địa phương.

Và còn nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp sáng tạo đang thu được những thành quả bước đầu như: Dương Văn Anh, Giám đốc Hợp tác xã H’Mông, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa phát triển khoai sọ tím Tủa Chùa thành nông sản có giá trị kinh tế cao; Phạm Xuân Vinh với mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng; Bạc Cầm Tươi, bản Chứn, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo với trang trại gà thương phẩm, xuất bán khoảng 10 tấn gà/lứa, năm 2 lứa gà thịt…

Truyền cảm hứng, động lực khởi nghiệp

Chính những thành công của một số mô hình khởi nghiệp tiên phong kể trên đã tiếp sức cho đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ về khởi nghiệp, kinh doanh. Trong năm qua, toàn tỉnh đã có 42 sáng kiến, giải pháp trong lao động sản xuất của đoàn viên thanh niên (ÐVTN) tham gia các cuộc thi, hoạt động Ðoàn. Một dự án khởi nghiệp lọt vào bán kết cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của Trung ương Ðoàn tổ chức. Ðó là Dự án Bim bim dứa - dứa sấy thăng hoa của anh Nguyễn Ngọc Ánh, tổ 10, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Anh Ánh chia sẻ: “Tại Ðiện Biên, sản lượng dứa tươi năm 2019 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là hơn 4.000 tấn nhưng không có cơ sở chế biến, chỉ tiêu thụ tươi nên giá bán rất thấp, thậm chí một lượng lớn bị vứt bỏ khi không có người thu mua. Ðầu năm 2020, tôi cùng một người em tìm hiểu, nghĩ cách vừa góp phần khắc phục tình trạng này vừa làm ra sản phẩm gì đó đặc biệt, tiện lợi, mới lạ. Dứa sấy là phương pháp chúng tôi đã lựa chọn, đặc biệt là sấy thăng hoa để tạo ra sản phẩm sạch, tự nhiên, giữ nguyên dinh dưỡng phù hợp cho cả người lớn và trẻ em, có thể dùng thay hoa quả tươi. Không có chuyên môn về nông nghiệp, tôi phải tự mày mò, tìm đọc rất nhiều tài liệu, nên cũng gặp không ít khó khăn”.

Ban đầu anh đầu tư máy móc thử nghiệm sấy theo cả 2 phương pháp sấy lạnh và thăng hoa. Nhưng sấy lạnh khó bảo quản, vì vậy chuyển hướng tập trung sấy thăng hoa - phương pháp sấy hiện đại nhất. Tại thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm dứa sấy theo phương pháp này. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm sản phẩm vẫn còn một số hạn chế. Anh mày mò, rút kinh nghiệm dần từ việc thái miếng dứa như thế nào, vị đã đảm bảo chưa, đóng gói ra sao để phù hợp với đặc điểm và giá trị sản phẩm… Sau nhiều tháng, đến nay từ hình thức đến chất lượng sản phẩm bim bim dứa đã đạt được như mong muốn. Khi giới thiệu tại các siêu thị, cửa hàng đều được đánh giá khả thi với nhiều hứa hẹn hợp tác, nhưng do máy sấy nhỏ nên chưa đảm bảo cung cấp hàng được đều đặn. Khó khăn dần được giải quyết khi dự án của anh Nguyễn Ngọc Ánh được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đối ứng 50% mua máy sấy thăng hoa công suất lớn hơn. Gặp nhau vào ngày cuối năm, anh Ánh cười tươi chia sẻ: “Anh vừa bán xe để đầu tư giai đoạn tới, mới kéo điện 3 pha xong để lắp đặt máy sấy to. Tuần trước anh đi Mường Chà khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ dứa với HTX Dứa Na Sang; cũng đã đặt hàng bao bì, nhận diện thương hiệu. Sản phẩn bim bim dứa sẽ được đưa ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán sắp tới với thiết kế lon giấy như snack khoai tây”.

Mỗi ý tưởng, mỗi mô hình khởi nghiệp đều dựa trên lợi thế địa bàn, đi lên từ những cây trồng, vật nuôi, hay những sản phẩm quen thuộc, đặc trưng. Ðể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong ÐVTN, các cấp hội đã triển khai Ðề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022 của Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo và nghiên cứu khoa học, triển khai các công trình, sản phẩm phục vụ học tập, lao động, công tác; tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; huy động, kết nối nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên… Cụ thể các cấp hội trong toàn tỉnh đã tổ chức 17 hoạt động khởi nghiệp cho 1.485 lượt hội viên, thanh niên; 14 hoạt động tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho 2.620 lượt hội viên, thanh niên. Trong năm Tỉnh đoàn tổ chức và trao 8 giải Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Ðiện Biên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Gần 400 ÐVTN đã được chia sẻ, tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top