Tin vào người trẻ

15:56 - Thứ Tư, 27/01/2021 Lượt xem: 3849 In bài viết

ĐBP - Các bí thư chi bộ, trưởng bản 8x, 9x đã và đang “thắp lửa” nhiều thôn, bản, đặc biệt tại các xã vùng cao huyện Ðiện Biên. Với sức trẻ, nhiệt huyết cùng tri thức được trang bị, những người “vác tù và hàng tổng” trẻ tuổi ấy đang là hạt nhân không chỉ góp sức mà còn dẫn dắt, tiên phong làm quê hương đổi thay, đưa cộng đồng dân cư phát triển.

Anh Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn (ở giữa) cùng người dân hoàn thiện các công trình phụ trợ Nhà văn hóa bản.

“Công bộc” gần dân nhất

Anh Quàng Văn Trưởng, sinh năm 1990 là trưởng bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn khi mới 22 tuổi nên gặp không ít khó khăn. Vào năm 2014, Mường Pồn 2 là bản đầu tiên của xã làm đường nội bản nông thôn mới, càng thêm nhiều khó khăn phát sinh bởi để mở rộng đường vướng vào đất của hàng chục hộ dân. Trong đó, hơn 30 gia đình chưa đồng thuận hiến đất. Anh Trưởng kể lại: “Khi ấy, có lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi cùng ban lãnh đạo bản phải đến từng nhà vận động, trò chuyện, giảng giải nếu có đường bê tông rộng, đẹp thì người dân được lợi gì. Có những hộ phải kiên trì đến gần 1 tuần bởi đường gần sát nhà dân, vướng 300 - 400m2 đất. Cứ cố gắng, cuối cùng tất cả các hộ dân đều đã đồng thuận, đường nội bản dài 1,2km được bê tông hóa, mở rộng từ 1m lên 2,5m, thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Sau tuyến đường này thì việc triển khai các công trình, mô hình, phong trào khác như làm kênh mương, trồng cây lâu năm, xây nhà văn hóa… đều dễ dàng hơn”. Ðặc biệt từ năm 2019 đến nay, cả bản Mường Pồn 2 đã góp hơn 600 công lao động, đồng thuận trích quỹ bản 240 triệu đồng hoàn thiện nhà văn hóa, các công trình phụ trợ (sân, tường bao, mái che) và cổng bản, ngoài số tiền 200 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ. Quỹ bản được gây dựng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðể quản lý, bảo vệ rừng tốt, đảm bảo nguồn quỹ, anh Trưởng còn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra hơn 600ha rừng mà bản được giao. Ông Lò Văn Loan, Thanh tra bản nhận xét: Cậu Trưởng nhiệt tình, có trách nhiệm, triển khai các công việc nhanh và hiệu quả. Nhờ đó, nhiều năm liền Mường Pồn 2 luôn là bản tiên phong, tiêu biểu của xã trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là việc huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ở một địa bàn khác, anh Lường Văn Say, sinh năm 1986, hiện là Bí thư bản Khăm Pọm, xã Phu Luông lại có những kinh nghiệm rất khác so với Quàng Văn Trưởng trong xây dựng bản. Khăm Pọm là bản nghèo, chỉ với 27 hộ, 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú. Tháng 1/2020, sau 6 năm đảm nhiệm vị trí Trưởng bản, anh Say được tin tưởng bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Chi bộ đã xây dựng được nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó thúc đẩy chăn nuôi gia súc, tập trung trồng, chăm sóc tốt nương sắn, chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây chít. Chăn nuôi trâu, bò và phát triển nương sắn là mô hình kinh tế truyền thống của bản. Tuy nhiên khi anh Say làm Trưởng bản năm 2014, bản mới xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc nên cả bản chỉ còn 7 con trâu. Năm ấy, xã giao chỉ tiêu đến hết năm, bản phát triển đàn trâu lên 14 con, nhiều người lo lắng không đạt nhưng anh Say lại quyết tâm thực hiện. Anh tuyên truyền người dân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách  xã hội mua trâu, bò. Những hộ được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản thì chăm sóc tốt để nhanh nhân đàn. Ðến cuối năm, cả bản đã có đến 23 con trâu, bò. Ðến nay tổng đàn đã trên 70 con. Hộ nghèo của bản năm 2014 là 100%, đến nay còn 7 hộ. Còn trồng chít là mô hình mới có tiềm năng tiêu thụ, đang được định hướng và đã một vài hộ dân trong bản tiên phong trồng thử. Không chỉ là người trưởng bản, bí thư chi bộ giỏi mà anh Say còn tiên phong phát triển kinh tế cho người dân trong bản học theo, với mô hình nuôi hàng trăm con gà, ngan, vịt và thử nghiệm nuôi thỏ. Anh Say chia sẻ: “Tôi cũng không có kinh nghiệm gì nhiều chỉ phát huy hết khả năng thôi. Mỗi khi làm tốt, nhân dân đồng tình, ủng hộ và quý mến thì mình lại càng hăng say, nhiệt huyết hơn”. Có lẽ cũng bởi tinh thần ấy mà Phó Bí thư Ðảng ủy xã Phu Luông Lò Văn Hòa đã giới thiệu ngay và hết lòng khen ngợi anh Say khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu về một số bí thư chi bộ trẻ tuổi của xã.

Không chỉ 2 nhân vật trên mà còn rất nhiều bí thư chi bộ, trưởng bản trẻ tuổi phát huy được năng lực của mình, giải quyết tốt các vấn đề ở cơ sở như: Lò Văn Thanh (sinh năm 1987), Trưởng thôn Thanh Hòa, xã Thanh Hưng vận động nhân dân dồn điền đổi thửa thành công, trở thành mô hình đầu tiên và tiêu biểu của xã, huyện; Lường Văn Thích (sinh năm 1991), Ðội trưởng bản Tâu 6, xã Hua Thanh vận động người dân lần đầu tiên tham gia trồng cây vụ 3; Sùng A Hù (sinh năm 1988), Trưởng bản Pu Lau, xã Mường Nhà tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân không ỷ lại, trông chờ Nhà nước hỗ trợ; Lò Thị Minh (sinh năm 1986), Bí thư Chi bộ bản Nà Hý, xã Hua Thanh vận động nhân dân thực hiện được 12/15 tiêu chí nông thôn mới cấp bản… Cán bộ không chuyên trách thôn, bản thực sự là những “công bộc” gần dân nhất. Mọi việc từ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, triển khai mô hình, dự án, việc to - nhỏ của cả cộng đồng dân cư, chuyện vui - buồn của mỗi gia đình… đều có sự tham gia của họ.

Ðể người trẻ yên tâm cống hiến

Số lượng cán bộ thôn, bản trong độ tuổi Ðoàn không được thống kê chính thức nhưng những năm gần đây, các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên đều trẻ hóa đội ngũ này. Ðánh giá chung của các xã về những bí thư, trưởng bản trẻ tuổi đều rất tích cực. Tại xã Hua Thanh, một nửa số bí thư chi bộ và trưởng bản của xã (10 bản) dưới 40 tuổi. Ông Thào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh nhận xét: Các đồng chí trẻ đều năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, có nhận thức cao, triển khai các chủ trương, chính sách, hoạt động nhanh và rõ ràng.

Bởi vậy, việc thu hút và bồi dưỡng cán bộ thôn, bản trẻ tuổi được đảng ủy, HÐND, UBND các xã quan tâm sát sao bằng nhiều cách làm khác nhau, đặc biệt là tạo điều kiện học tập, quy hoạch cán bộ có năng lực, phẩm chất. Như tại xã Mường Pồn, trong số 11 bản thì có 5 bí thư chi bộ và 5 trưởng bản ở độ tuổi 8x, 9x; trong đó nhiều bí thư, trưởng bản trẻ mới được tín nhiệm bầu trong kỳ đại hội vừa qua. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của các cán bộ cấp bản, ông Chào Anh Nguyên, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Pồn cho biết: 100% bí thư chi bộ trên địa bàn và nhiều trưởng bản đã được cử đi đào tạo sơ cấp lý luận chính trị. Cấp thôn, bản có 3 bí thư chi bộ tham gia Ban Chấp hành Ðảng bộ xã khóa mới, trong đó 2 người trẻ. Các đồng chí này đều được bồi dưỡng, tham gia lớp nghiệp vụ công tác Ðảng. Ngoài ra, xã cũng có 1 bí thư chi bộ bản đang kiêm cán bộ bán chuyên trách xã, được quy hoạch trở thành chủ tịch Hội Nông dân xã. Ðồng chí này được động viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, sắp hoàn thành chương trình đào tạo đại học”.

Không chỉ sự ghi nhận, quan tâm của lãnh đạo xã mà từ khi có Quyết định số 33/2019/QÐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh liên quan đến quy định 3 chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng thì bí thư, trưởng bản đã được hưởng mức phụ cấp cao hơn. Cụ thể là 1,3 hoặc 1,4 mức lương cơ sở tùy từng địa bàn. Qua đó những người đảm nhiệm vị trí này có nguồn thu nhập cơ bản, tạo thêm động lực trong công việc.

Cán bộ cơ sở nói chung, không chuyên trách tại thôn, bản, tổ dân phố nói riêng có vai trò cầu nối Ðảng với Nhân dân. Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ thôn, bản đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, tổ chức cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm thì ở đó thôn, bản đoàn kết, an ninh trật tự được giữ vững, các phong trào, cuộc vận động được thực hiện một cách hiệu quả. Ngược lại sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém, trì trệ. Do vậy, việc trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản trong giai đoạn hiện nay là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top