Để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở Điện Biên

09:41 - Thứ Hai, 12/04/2021 Lượt xem: 4701 In bài viết

ĐBP - Năm 2021 là năm bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1 theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân đòi hỏi BHXH tỉnh Điện Biên phải có những giải pháp mang tính đột phá.

Khó khăn, thách thức   

Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH được ban hành đã ghi một dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách này ở nước ta. Với quyết tâm đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW vào cuộc sống, trong những năm qua, BHXH Điện Biên đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, đạt được những kết quả tích cực.

Số người tham gia BHXH tự nguyện từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW đã phát triển nhanh chóng. Cụ thể: Năm 2018, toàn tỉnh có 2.252 người tham gia, tăng 1.003 người, tương ứng tăng 80,3% so với năm 2017. Năm 2019 số người tham gia là 5.542 người, tăng 3.290 người, tương ứng tăng 146% so với năm 2018. Năm 2020, con số này đã lên đến 11.647 người, tăng 6.105 người, tương ứng tăng 110,2% so với năm 2019, chiếm 3,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt 2,1% so với mục tiêu của Nghị quyết số 28). Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 tăng thành 9.395 người (gấp 5,2 lần so với năm 2018 - năm ban hành nghị quyết); số người tăng mới trong năm 2020 (6.105 người) đã nhiều hơn tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển trên địa bàn toàn tỉnh của 12 năm trước cộng lại (5.438 người).

Kết quả đó là minh chứng cho tính đúng đắn trong chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, tính chất ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện; nhờ đó, chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống. Kết quả tích cực đó cũng đồng thời khẳng định, công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức người dân; việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của BHXH tỉnh ngày càng thuận tiện, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Bước sang năm 2021 dịch Covid-19  tác động trực tiếp tới tỉnh Điện Biên. Thu nhập của người dân giảm sút, nhiều người lâm vào khó khăn nên không thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (chiếm 30,67%), trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn. Toàn tỉnh có khoảng trên 61 vạn người sống rải rác trên diện tích tự nhiên gần 10.000km2. 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn mà đa số là dân tộc ít người (chiếm 82,6% so với tổng dân số), trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi ước khoảng 373.515 người. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia BHXH còn thấp (chiếm khoảng 12,6% trên tổng số lực lượng lao động). Những khó khăn đó khiến công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, các hoạt động tổ chức hội nghị trực tiếp truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh cũng phải tạm hoãn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, dẫn đến số người tham gia có sự sụt giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2021, ước toàn tỉnh có 10.950 người tham gia BHXH tự nguyện (giảm 697 người, tương đương với giảm 6% so với năm 2020)...

Ngoài những khó khăn kể trên thì chính sách BHXH cũng có tính đặc thù, đó là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn. Thực tiễn cho thấy, thường phải mất một quá trình dài người dân mới có thể hiểu, cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH. Hơn nữa, chính sách BHXH tự nguyện được tổ chức thực hiện từ năm 2008. Như vậy, sớm nhất, phải đến năm 2028 mới có đối tượng tham gia được thụ hưởng chính sách này. Do đó, để người dân nhận thức rõ tính ưu việt của chính sách thì sự đổi mới trong công tác truyền thông là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, đổi mới chính sách BHXH sao cho hấp dẫn, thuận lợi trong đóng, hưởng lại giữ vai trò quyết định cho sự lựa chọn, tham gia lâu dài của người dân.

Những giải pháp mang tính đột phá

Để phát triển BHXH tự nguyện bền vững, bên cạnh những giải pháp như: Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan, các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiếp tục đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia; tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng... BHXH tỉnh Điện Biên còn tập trung vào những giải pháp mang tính đặc thù của địa phương.

Về hình thức truyền thông, BHXH tỉnh ưu tiên các hình thức tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp tại các thôn, bản, xã phường; lồng ghép yếu tố văn hoá dân tộc với tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, khuyến khích viên chức BHXH các cấp học tiếng dân tộc (hết năm 2020, toàn tỉnh có 77 viên chức đã tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc (đạt 44,4%), riêng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng có 4/9 viên chức có chứng chỉ tiếng dân tộc); truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở bằng tiếng dân tộc; kết hợp công tác truyền thông và thiện nguyện, thông qua vận động các nhà hảo tâm ủng hộ người nghèo tham gia BHXH tự nguyện dưới hình thức tặng sổ BHXH, hỗ trợ mức đóng cho đối tượng tham gia là người nghèo, cận nghèo...

Về công tác quản lý, ngành đã chú trọng đào tạo và mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhân viên đại lý thu. Mỗi nhân viên đại lý phải thực hiện mở sổ sách theo dõi chi tiết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt quản lý đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo mã số nhân viên đại lý; mỗi nhân viên đại lý sẽ có trách nhiệm quản lý đối tượng tham gia BHXH tự nguyện do mình khai thác. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến hạn phải nộp tiền đều được bóc tách dữ liệu gửi đến từng nhân viên đại lý thu một cách đầy đủ, kịp thời (trước 1 tháng) để đại lý chủ động thông tin đến từng đối tượng.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cụ thể đến cán bộ viên chức, người lao động trong cơ quan và các hệ thống đại lý thu trên địa bàn tỉnh theo hàng tháng. Phát động phong trào thi đua và ký giao ước thi đua phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã và trong hệ thống đại lý thu; xây dựng cơ chế khen thưởng rõ ràng, thực hiện nhân rộng mô hình, cách làm hay trong toàn tỉnh. Định kỳ tổ chức giao ban, ra thông báo kết quả phát triển đối tượng chi tiết theo từng nhóm đối tượng theo tháng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Trịnh Ngọc Hà (BHXH tỉnh)
Bình luận
Back To Top