Ông Phối “tơ vương”

10:57 - Thứ Bảy, 17/04/2021 Lượt xem: 4837 In bài viết

ĐBP - Nhiều năng lượng, “đa mang” một cách hồn nhiên. Vì vậy, đã có thời điểm người đàn ông này cùng lúc giữ 6 “chức” ở cộng đồng, gồm: Bí thư Ðoàn thanh niên, ủy viên chi ủy, cán bộ tuyên giáo, trưởng ban công tác mặt trận bản, người uy tín, tổ trưởng tổ hòa giải. Nhưng nếu nói Lường Văn Phối, bản Hột, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) là “người vác tù và hàng tổng” thì có phần chưa đủ, bởi trong anh còn những góc rất thú vị khác...

Toàn cảnh bản Hột, xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa.

“Có cháu ngoại rồi, xin thôi không làm bí thư đoàn nữa”

Lần đầu chúng tôi gặp Lường Văn Phối (năm 2014) là khi lên thượng nguồn con suối Hột để tìm hiểu về nguy cơ lũ quét đối với 54 hộ dân bản Hột đang sinh sống ở hạ lưu. Dẫn chúng tôi đi hôm đó là Lường Văn Phối. Ấn tượng với tôi về người đàn ông này là sự xởi lởi, nhiệt tình. Leo núi cao, chúng tôi thì chỉ có sức để nghe và tranh thủ... thở nhưng anh Phối thì kể đủ thứ chuyện. Trong đó trọng tâm là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bản Hột bị lũ “thổi bay” như: Ðập nước hình thành ở thượng lưu, thời tiết cực đoan, mưa nhiều, địa chất mất ổn định và tâm tư nhất là vấn đề mất rừng, theo anh, mất rừng là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Ðến lúc giải lao, chúng tôi mới có dịp trò chuyện. Tôi hỏi: Anh làm nghề gì? Lường Văn Phối thủng thẳng: Anh làm thợ mộc. Tôi nói: Nghề của anh có vẻ rất liên quan đến rừng đấy nhỉ?! Anh đáp ngay: “Ðúng, hết rừng là anh mất nghề luôn”. Và cũng rất thẳng thắn, tinh ý, anh khẳng khái: “Làm nghề mộc nhưng anh không phá, hay tiếp tay cho phá rừng lấy gỗ”. Ðể chứng minh mình không nói dối, lúc này Lường Văn Phối mới “khai” ra hàng loạt chức trách, nhiệm vụ công tác xã hội mà anh tham gia, rồi “chốt” một câu: Mình làm không đúng thì nói ai nghe, vận động ai đồng thuận, hòa giải ai nhất trí?

Trở về trung tâm bản Hột, chỉ chi tiết từng điểm, từng cột sàn từng bị nước lũ mùa mưa năm 2014 ngập đến đâu, phân tích chi tiết hướng đi của cốt ngập để chúng tôi hiểu, rồi Lường Văn Phối bảo: Bản như nằm ở lòng một cái bát, mà trên miệng bát lại hình thành một cái đập nước thế kia thì nguy quá. Rất mong Ðảng, Nhà nước, tỉnh, huyện quan tâm, giúp dân bản tránh được cái họa lớn. 

Trời đã về cuối chiều, mặt trời chỉ còn chiếu một vài vệt nắng trên vạt núi “thành bát” bao quanh bản Hột. Tư liệu tác nghiệp đã thu thập được cơ bản, chúng tôi định cảm ơn và chào Lường Văn Phối để trở về trung tâm huyện Tủa Chùa. Nhưng vừa là thuận theo phong tục vừa để giữ phép lịch sự, tôi hỏi: Nhà anh ở đâu, chúng em qua thăm một chút rồi về? Ðúng chất người vùng cao, Lường Văn Phối nói ngay: “Ừ, phải về nhà anh ăn bữa cơm, ngủ thăm một tối chứ”. Về cuối bản, nhìn ngôi nhà nằm chênh vênh trên vách ta luy dương, một vài vết nứt sâu chạy ngoằn ngoèo từ sân xuống nền đường bản và theo như những gì chúng tôi ghi nhận, đánh giá thì ngôi nhà trồng đầy hoa của ông bí thư chi đoàn, người uy tín, trưởng ban công tác mặt trận... này sẽ “bay màu” đầu tiên nếu có lũ quét xảy ra. Tôi thốt lên: Ôi nhà anh đây á?! Nguy hiểm thế này mà sao từ nãy anh không nói? Vẫn cái cách nói có phần tưng tửng: “Nền nhà anh bị thế này vài năm rồi nhưng bản chưa được quyết định tái định cư, mình thì không nên chỉ lo riêng cho bản thân. Ðể an toàn cho vợ con, vào mùa mưa chịu khó đi ở nhờ nhà anh em họ hàng vậy”. Trước khi chia tay, Lường Văn Phối chia sẻ với tôi một nội dung có vẻ như chẳng liên quan gì: Sắp tới, anh xin thôi chức bí thư chi đoàn, chứ ngoài “tứ tuần” rồi, sắp có cháu ngoại rồi, nói với các em, các cháu cũng ngại! Ấy vậy mà mãi đến năm 2017, Lường Văn Phối mới “từ chức” thành công.

Ông Lường Văn Phối bên chiếc đàn tính. Ảnh: Lan Phương

Người “giàu có nhất vùng”

Ðến giờ này, dù vẫn ở trong “lòng bát” nhưng bản Hột của Lường Văn Phối đã đổi thay rất nhiều. 54 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét năm nào giờ đã được di vén, tái định cư tại vị trí an toàn, trong đó có gia đình Lường Văn Phối. Không chỉ vậy, khu tái định cư được Nhà nước đầu tư quy mô với nền, đường bê tông khang trang, hạ tầng điện, nước, viễn thông... đầy đủ. Ngôi nhà của gia đình Lường Văn Phối giờ nằm ở giữa bản, vững chãi và khang trang hơn nhiều so với năm nào. Ðiều không đổi thay là nhà anh vẫn trồng nhiều hoa và ông chủ nhà thì như cách tôi hay đùa với Lường Văn Phối: Anh là “ông Phối tơ vương”, ôm đồm đủ thứ việc trên trời dưới đất. Trong lần gần nhất đến thăm, chúng tôi được biết, anh vẫn còn 4 “chức” đoàn thể (trừ bí thư chi đoàn và cán bộ tuyên giáo). Ngoài ra thì dạy đàn, hát tính tẩu cho thanh, thiếu niên trong bản; tham gia phối hợp với các trường phổ thông trong xã giảng dạy nghệ thuật truyền thống cho học sinh; đệm, hát tính tẩu cho đài truyền thanh, truyền hình huyện và một số hội văn học nghệ thuật trong và ngoài huyện; rồi thì chế tác đàn tính (tính tẩu), đan lát các loại dụng cụ bằng tre truyền thống như: Giỏ lươn, đó cá, thúng, mủng, giần, sàng, rổ, rá... Hôm vào nhà chơi, anh kể: Tối qua anh đi đến 2 giờ sáng mới về chú à! Giật mình tôi liếc sang... vợ anh, rồi hỏi: Anh đi đâu mà về muộn thế? Bảo: Có 2 bố con trong bản tranh chấp đất, cãi vã xô xát nhau, anh cùng anh em phải khuyên đến lúc ấy mới xong! Tôi thở phào: À thì ra là nhiệm vụ của tổ trưởng tổ hòa giải.

Nhìn những chiếc đàn tính treo trên vách nhà sàn, rồi dưới gầm sàn là ngổn ngang đó cá, giỏ lươn..., tôi nửa đùa nửa thật: Anh dạo này ăn nên làm ra đấy, chắc khách hàng đặt nhiều à? Lường Văn Phối phân trần: Ðàn tính thì là đam mê rồi, bao nhiêu cái cũng không đủ vì nếu tìm hiểu sâu và sử dụng nhiều tính tẩu mới thấy không phải chiếc đàn tính nào cũng giống nhau, từ chất âm cho đến độ vang... Còn về các loại dụng cụ tre đan thì là sở thích. Anh thích những vật dụng làm từ tre, vừa sạch, bền lại góp phần bảo vệ môi trường nên đan thôi, chứ bán thì dân bản mỗi nhà một bộ họ dùng vài năm mới mua lại. Kinh doanh thế thì phá sản sớm! Thắc mắc liệu “ôm” nhiều thứ thế có dành được chút nào cho vợ, con, cháu không? Cười khì khì, Lường Văn Phối bảo: Nghề chính của anh vẫn là thợ mộc và nông dân. Nghĩa là vẫn phải làm nghề để duy trì kinh tế gia đình, phụ vợ ruộng nương. Nghe thì có vẻ như “tơ vương” quá nhiều thứ việc, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, nghệ thuật... nhưng nếu mình có tâm, niềm cảm hứng, an nhiên, tự tại và phân phối thời gian tốt thì chẳng có áp lực, khó khăn nào cả. Và như vậy thì cuộc sống của mình càng có thêm ý nghĩa. À mà dạo này hình như anh hay “triết lý vặt”, chú để ý sửa giúp anh nhé, chứ nghĩ ngợi nhiều, mau già! - cựu bí thư chi đoàn Lường Văn Phối, người đàn ông 53 tuổi cười lớn. Nhìn anh tôi chợt nghĩ: Quan điểm sống như anh thì đúng là “giàu có” hiếm ai bằng!

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top