Đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng

10:38 - Thứ Ba, 06/07/2021 Lượt xem: 4601 In bài viết

ĐBP - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã làm gián đoạn việc làm của người lao động đang làm việc ở các ngành, nghề, như: Dịch vụ, thương mại, du lịch... Trong khi đó, hiện nay tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại có thêm nhiều lao động do bị mất việc làm ở các ngành, nghề khác đã chuyển sang nghề xây dựng để kiếm thêm thu nhập. Tuy thu hút khá đông nhân lực, nhưng thực tế hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho người lao động tại các công trình xây dựng vẫn chưa được thực hiện tốt, khiến tình trạng mất an toàn lao động vẫn diễn ra. Ngoài một số đơn vị, doanh nghiệp lớn có trang bị thiết bị bảo hộ, hệ thống an toàn cho công nhân xây dựng, thì hầu hết các công trình vừa và nhỏ vẫn chưa có thiết bị hay biện pháp nào hỗ trợ an toàn cho người lao động. Vì thế luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Những công trình xây dựng nhỏ, công nhân thường không được trang bị các thiết bị bảo hộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Trong ảnh: Công trình xây dựng nhà ở tại tổ 5, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ không có thiết bị bảo hộ cho người lao động khi làm việc trên cao.

Có mặt tại công trường xây dựng Điểm tái định cư số 1, thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 thi công, chúng tôi nhận thấy gần 200 công nhân của đơn vị đang tham gia xây dựng đều được Công ty trang bị đồng phục bảo hộ an toàn, gồm: mũ bảo hiểm, quần, áo dài tay chống nắng… Vì thế, các công nhân thi công tại đây rất yên tâm, nỗ lực làm việc, nhất là trong điều kiện thời tiết oi nóng như hiện nay…

Qua quan sát, chúng tôi thấy hệ thống giàn giáo kiên cố được lắp đặt bên ngoài công trình xây dựng cao tầng (thuộc hạng mục xây dựng nhà ở, trường học...). Bắt đầu từ độ cao 2 mét của công trình, công nhân xây dựng đều được trang bị dây an toàn. Ngoài ra, tầm cao từ 3 mét trở lên còn được đơn vị thi công bố trí thêm hệ thống khung lưới màu đen; thiết bị này không những che nắng cho công nhân khi làm việc lâu trên độ cao ngoài trời, mà con giúp công nhân giảm bớt tầm nhìn từ trên cao xuống dưới, tạo tâm lý an toàn khi làm việc.

Ông Mạnh Ngọc Đức, cán bộ Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6, quản lý công trường xây dựng Điểm tái định cư số 1, cho biết: “Việc đảm bảo an toàn cho người lao động tại công trình xây dựng đã được Công ty chúng tôi quan tâm, chú trọng từ nhiều năm trước. Công ty không chỉ giám sát lao động thường xuyên, nhắc nhở họ chú ý giữ an toàn trong lao động; mà còn trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị an toàn cho công nhân, như: Giàn giáo, dây an toàn, dòng dọc, khung lưới, trang phục bảo hộ... Từ đó hạn chế tối đa những nguy cơ mất an toàn lao động trong xây dựng, đặc biệt là các công trình có độ cao từ vài mét đến vài chục mét. Ngoài ra, Công ty cũng có thêm chế độ hỗ trợ kinh phí, thăm hỏi cho người lao động chẳng may bị tại nạn, thương tích trong khi lao động”.

Bên cạnh một số đơn vị thi công đã quan tâm, đảm bảo an toàn cho người lao động, thì vẫn còn những đơn vị, người sử dụng lao động tại các công trình vừa và nhỏ chưa thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Không khó để nhận thấy, tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ hoặc nhà dân vẫn còn tình trạng người lao động không được trang bị thiết bị an toàn hay hệ thống bảo hộ khi làm việc. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một công trình xây dựng nhà ở, thuộc tổ 5, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ; trên độ cao hơn 12 mét của công trình (vị trí xây dựng tầng 3 của căn nhà) có một số công nhân đang xây dựng, thiết kế mái nhà. Tuy nhiên, bản thân người công nhân và xung quanh công trình không có bất kỳ hệ thống, thiết bị nào để bảo vệ, phòng tránh tai nạn lao động. Đặt giả thiết, nếu tình trạng mất an toàn xảy ra, công nhân ngã từ vị trí đang làm việc xuống đất, thì nguy cơ mất mạng xảy ra rất cao.

Bên cạnh sự chủ quan của người sử dụng lao động; sự liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm của các công nhân, có thể thấy rằng, việc giám sát công tác đảm bảo an toàn lao động từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Chính vì thế, những năm gần đây, tình trạng tai nạn lao động trong xây dựng công trình vẫn còn diễn ra. Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra gần 20 vụ tai nạn lao động trong xây dựng công trình, khiến gần 10 người thương, vong; tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng vừa và nhỏ, nguyên nhân đều do thiếu các thiết bị bảo hộ an toàn cho người lao động.

Trao đổi về vấn đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho rằng: “Để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động xảy ra, đặc biệt ở các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân, trước hết người sử dụng lao động và người lao động tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Người sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công; hướng dẫn người lao động thi công đúng quy định. Còn người lao động cần chủ động đề nghị chủ công trình đảm bảo các điều kiện an toàn, nếu thấy phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, người lao động nên từ chối làm việc”.

Cũng theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục xử phạt các chủ công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động, Sở sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất; đồng thời, tham mưu cho cấp trên ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng vừa và nhỏ.

Bài, ảnh: Minh Khôi
Bình luận
Back To Top