Tìm tiếng nói chung để tạo sự đồng thuận

16:28 - Chủ Nhật, 11/07/2021 Lượt xem: 8090 In bài viết

ĐBP - Trong quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư (TĐC) các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4, còn một số hộ dân thuộc khu vực phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ chưa đồng thuận với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại nhiều cấp kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay.

Các hộ dân trao đổi với phóng viên về nguồn gốc và hiện trạng đất bị thu hồi.

Chưa đồng thuận với phương án đền bù

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, các hộ gia đình, gồm: Vợ chồng ông Lò Ngọc Vân - Hoàng Thị Thu, ông Trương Doãn Lập, ông Trương Tiến Trường, bà Hoàng Thị Biên đều trú tại phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ có nhiều đơn khiếu nại gửi tới các cấp chính quyền, cơ quan báo chí. Nguyên nhân là do các ông, bà không nhất trí với các quyết định của UBND TP. Điện Biên Phủ về việc thu hồi đất của họ để đầu tư xây dựng khu TĐC các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 (thuộc khu vực tổ dân phố 1, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ). UBND TP. Điện Biên Phủ cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để giải quyết nội dung khiếu nại, tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa đồng thuận.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện Biên Phủ, bà Trịnh Thị Viết, mẹ và là đại diện cho ông Trương Doãn Lập và Trương Tiến Trường, cho biết: “Nguồn gốc đất của gia đình tôi cũng như của các hộ trên đều do khai hoang từ những năm 1980 mà có. Chúng tôi vẫn đang sử dụng ổn định và không có tranh chấp với ai, UBND phường và tổ dân phố đã xác nhận điều này. Cùng trong khu vực đất này, một số hộ khác đã mua bán chuyển nhượng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dựng nhà ở kiên cố nên khi đền bù giải tỏa thuộc diện được bố trí đất tái định cư. Ngày trước, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi chưa có điều kiện để làm các thủ tục chuyển đổi mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2015, gia đình mới đi làm hồ sơ xin cấp nhưng không được. Đến nay, thu hồi đất thuộc dự án chỉ được đền bù bằng giá đất nông nghiệp với số tiền quá ít ỏi”. Cụ thể, với đơn giá 65.000 đồng/m2, theo phương án đã ban hành thì gia đình ông Trương Tiến Trường (thửa đất số 29) có diện tích 101m2 bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ tổng gần 22,6 triệu đồng (bồi thường về đất, tài sản vật kiến trúc, cây trồng và các chế độ hỗ trợ); gia đình ông Trương Doãn Lập (thửa số 28) có 90,3m2 thuộc diện thu hồi, được bồi thường, hỗ trợ tổng hơn 7,4 triệu đồng; gia đình ông Lò Ngọc Vân (thửa số 26) có 61,6m2, được bồi thường hơn 15 triệu đồng; gia đình bà Hoàng Thị Biên (thửa số 27) có 73,1m2 được chi trả gần 15,6 triệu đồng.

Trực tiếp cùng các hộ dân ra thực địa, phóng viên nhận thấy phần đất các hộ dân đang kiến nghị có mặt trước là tuyến đường thuộc dự án, mặt sau là kè suối. Theo các hộ dân cho biết, trước đây diện tích này được sử dụng để sản xuất nông nghiệp (chủ yếu trồng rau) cho đến khi công trình thi công, đất san gạt vào nhiều nên mới ngừng canh tác. Bà Hoàng Thị Thu, một trong số những hộ dân có đơn kiến nghị cho biết: Nếu Nhà nước thu hồi diện tích đất để xây dựng các công trình đảm bảo quốc phòng an ninh, phục vụ giáo dục, y tế hoặc các công trình công cộng thì các hộ chúng tôi hoàn toàn nhất trí và sẵn sàng nhận đền bù. Đơn cử như 2 dự án trước làm đường và làm kè suối chúng tôi đã đồng ý và bàn giao mặt bằng ngay để triển khai dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, nếu dự án thu hồi đất để chuyển đổi mục đích rồi cấp cho các hộ dân khác sử dụng là chúng tôi không nhất trí. Bởi hầu hết các hộ chúng tôi còn đang là những người thiếu đất ở. Nhiều thế hệ cùng chung sống trong một căn nhà chật hẹp, có hộ vẫn phải đi thuê nhà”.

Nguyện vọng chung của 4 hộ dân trên là giữ nguyên hiện trạng phần đất của mình và được nộp lệ phí chuyển đổi theo quy định bởi các gia đình còn khó khăn, có nhu cầu về đất để xây dựng nhà ở, trong khi đơn giá bồi thường thấp.

Cơ sở pháp lý giải quyết kiến nghị

Ngày 26/12/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu TĐC các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngày 4/7/2019, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 TP. Điện Biên Phủ tại Quyết định số 643/QĐ-UBND. Ngày 13/11/2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 1177/QĐ-UBND ủy quyền cho UBND TP. Điện Biên Phủ quyết định thu hồi đất để thực hiện công trình Khu TĐC các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 tại địa bàn phường Mường Thanh, Nam Thanh.

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, cho biết: “Toàn bộ khu vực đất bị thu hồi của 4 hộ trên nằm trong khu vực quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu TĐC các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4. Đối chiếu Luật Đất đai, Dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. UBND thành phố ban hành các quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 4/8/2020, quyết định số 804/QĐ-UBND ngày 8/5/2020 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ gia đình trên, với loại đất được bồi thường, hiện trạng sử dụng đất, đơn giá thực hiện bồi thường căn cứ theo giá đất cụ thể, giá tài sản trên đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án là đúng với quy định pháp luật về đất đai hiện hành. Việc các hộ đề nghị không thực hiện thu hồi các thửa đất nông nghiệp mà gia đình đang quản lý và sử dụng là không có cơ sở và trái với quy hoạch đô thị, do thửa đất nói trên đã được quy hoạch xây dựng tại Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dọc trục đường Võ Nguyên Giáp đến sông Nậm Rốm thuộc phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ); trái với quy định pháp luật về đất đai do thửa đất nói trên đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án theo Quyết dịnh số 1286/QĐ-UBND”.

Đề cập đến phương án thực hiện bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng cho các hộ dân kể trên, đại diện thành phố Điện Biên Phủ cũng trả lời rằng, theo quy hoạch xây dựng được duyệt thì Khu TĐC các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 không thực hiện quy hoạch quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Mặt khác hiện nay đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã được giao, công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định, không có quỹ đất nông nghiệp để bồi thường. Do vậy khi thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều 74, Luật Đất đai năm 2013.

Để đảm bảo cuộc sống cho các hộ bị thu hồi đất, ông Phạm Văn Sỹ cho biết thêm: “Thành phố cũng mong muốn các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án có những quyền lợi chính sách ưu đãi tốt nhất nhưng hiện không có cơ sở pháp lý để áp dụng, đáp ứng nguyện vọng như trên của người dân. Những trường hợp bị thu hồi nhiều đất, đặc biệt là dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mất hết tư liệu sản xuất, UBND thành phố đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị xem xét quyết định biện pháp hỗ trợ khác, như giao đất có thu tiền sử dụng đất, tạo điều kiện chuyển đổi nghề tạo sinh kế bền vững để chia sẻ với người dân. Tuy nhiên Dự án đã gần đến thời hạn hoàn thành. Chính khu vực thực hiện thu hồi đất của các trường hợp trên được quy hoạch bố trí giao đất TĐC cho những trường hợp đủ điều kiện của dân sở tại, cũng như của các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án đường từ cầu A1 xuống cầu C4. Thành phố đã tổ chức bốc thăm trên sơ đồ theo nguyện vọng của người dân và chấp thuận của tỉnh. Hộ dân cũng mong muốn sớm hoàn thành dự án TĐC, được giao đất để ổn định cuộc sống. Vì vậy cũng mong các hộ dân hiểu và ủng hộ”.

Biện pháp được thành phố đưa ra trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích cho nhân dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng hiểu, chấp hành các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn thực hiện việc nêu gương, chấp hành các quy định pháp luật về đất đai của Nhà nước và các quy định của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Đối với các trường hợp không chấp hành dù đã tạo điều kiện hết sức thì thành phố củng cố hồ sơ, tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Cưỡng chế thu hồi là việc không ai mong muốn, là việc bất khả kháng với tất cả những bên liên quan. Thiết nghĩ, để việc đó không phải xảy ra, sớm chấm dứt tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, chính quyền TP. Điện Biên Phủ và các hộ dân có khiếu nại cần thêm những cuộc trao đổi, đối thoại, tìm tiếng nói chung để tạo sự đồng thuận và hài hòa lợi ích.

P.V
Bình luận
Back To Top